Vì sao hộp xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông không được mở?
12/03/2024 | Tác giả: Trinh Nguyễn Lượt xem: 145
Hiện tại, hộp xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được an trí trong Phật hoàng tháp tại am Ngọa Vân (TX.Đông Triều, Quảng Ninh).
Chiếc hộp quý hơn vàng
Tại hố khai quật ở am Ngọa Vân, gần tòa Tam Bảo, các nhà khảo cổ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã phát hiện một hiện vật hình hộp chữ nhật nằm nghiêng. Nắp hộp bị móp do chịu sự tác động khá lớn từ trước.
"Toàn bộ mặt ngoài để trơn, không trang trí hoa văn, song ở đáy và hai mặt hông còn thấy rõ vết vải và dây buộc hình chữ thập (十). Điều này cho thấy hộp vốn được bọc trong một túi vải, ngoài có dây buộc lại hình chữ thập. Phân tích huỳnh quang cho biết hộp được làm bằng hợp kim chì, đồng và thiếc", TS Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) nói.
Việc phát hiện chiếc hộp với cấu trúc giống với các hộp xá lị từng tìm thấy trong các tháp Phật giáo ở Trung Quốc và VN khiến các nhà khoa học nghĩ đến việc đây có thể là hộp đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chiếc hộp xá lị được tìm thấy này khá tương đồng với ghi chép khi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa, đệ tử Pháp Loa tổ chức thiêu và thu được mấy nghìn viên xá lị. Sau đó, một số được để lại Ngọa Vân xây bảo tháp, còn gọi là Phật hoàng tháp, một số được mang về Thăng Long rồi từ Thăng Long mang về Thái Bình… Vì thế, nhiều khả năng chiếc hộp này là hộp đựng xá lị của Phật hoàng.
Cũng theo TS Anh, do khả năng đây là chiếc hộp đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, các nhà khoa học và quản lý đã quyết định không mở nó ra mà dùng X-quang nghiên cứu. Chụp X-quang nghiên cứu cho thấy hình ảnh hộp có cấu tạo gồm 2 lớp, có nghĩa là hộp trong hộp.
"Trong lòng hộp bên trong có một vật hình que và một vật hình tròn, khá giống mặt của răng hàm. So sánh hình dáng và cấu trúc của hộp này có thể thấy nó khá giống với hình dáng của các hộp xá lị đã phát hiện trong các tháp Phật giáo ở Trung Hoa và VN. Điểm khác biệt quan trọng nhất của di vật này so với các hộp xá lị đã được phát hiện là nó không có hoa văn trang trí", TS Nguyễn Văn Anh cho biết.
Một thánh tích
PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học VN, cho rằng hình tròn khá giống mặt của răng hàm, trong hộp có thể chính là răng hàm thật. "Việc hiện vật ở trong hộp, lại chôn kín dưới đất có thể giúp nó giữ được hình dáng", PGS-TS Cường nhìn nhận.
Trong khi đó, về việc tại sao không mở chiếc hộp ra để nghiên cứu, TS Nguyễn Văn Anh lý giải, một phần là để giữ tính thiêng của hộp. TS Anh cũng cho biết, khi là một biểu tượng Phật giáo, một thánh tích Phật giáo như vậy, chiếc hộp đã được đặt vào Phật hoàng tháp tại am Ngọa Vân.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho rằng các nhà khoa học nên tiếp tục nghiên cứu các tư liệu để bổ sung thêm vào hiểu biết chiếc hộp này. Việc cho rằng đây là hộp đựng xá lị của Phật hoàng cũng có những lý lẽ nhất định, tuy nhiên, theo ông Tín, để khẳng định chắc chắn hơn, các nghiên cứu bổ sung luôn cần thiết.
Hiện tại, theo các nhà nghiên cứu, có 8 nơi được lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong đó, Yên Tử là nơi Phật hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài. Các nơi khác được lưu giữ xá lị đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần. "Trong số 8 nơi được lưu giữ xá lị của Phật hoàng thì riêng tự viện Quỳnh Lâm có 2 nơi chứa xá lị của ngài. Đông Triều, Uông Bí ngày nay dưới thời Trần là đất An Sinh quê gốc của nhà Trần, đồng thời là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên có đến 4 điểm lưu giữ xá lị của Phật hoàng", TS Nguyễn Văn Anh thông tin.
Nghiên cứu liên tục về Phật giáo Trúc Lâm
Có nhiều nghiên cứu xung quanh Phật giáo Trúc Lâm được thực hiện và công bố trong thời gian gần đây. Trong đó, tại tọa đàm "Đệ tam tổ Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm" (ngày 2.3 tại Ngọa Vân Yên Tử, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) đã có các vấn đề được đưa ra như: nỗi hàm oan của vị Tam Tổ Huyền Quang trong vụ nhà vua dùng cung nữ Điểm Bích để thử dục vọng của đệ tam tổ nhưng không thành; vị tổ Huyền Quang đã từ đời thực bước vào Phật điện và thần điện Việt ra sao; quần thể điểm đến thiêng Ngọa Vân bao gồm những di tích, phế tích nào…
Giáo sư, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN, cư sĩ Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh cho biết nghiên cứu về các vấn đề của Phật giáo cũng là điểm tạo bản sắc của học viện. Chính vì thế, học viện sẽ liên tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm công bố nghiên cứu như tọa đàm "Đệ tam tổ Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm". Tới đây, Học viện Phật giáo VN sẽ tiếp tục công bố các nghiên cứu về đệ nhị tổ Pháp Loa và nhiều nghiên cứu khác liên quan. Những kết quả nghiên cứu này sẽ làm rõ hơn giá trị của Phật giáo Trúc Lâm - một di sản văn hóa phi vật thể. Cạnh đó, học viện cũng sẽ tổ chức các buổi ngoại khóa, đưa học sinh đi thực tế tại những thắng tích danh lam gắn với Phật giáo như Ngọa Vân.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-hop-xa-li-phat-hoang-tran-nhan-tong-khong-duoc-mo-185240304211702403.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn