2 loại trái cây siêu tiềm năng của Việt Nam sắp được xuất chính ngạch sang Trung Quốc: người dân cực ưa chuộng, có bao nhiêu mua bấy nhiêu
28/01/2024 | Tác giả: Khánh Vy Lượt xem: 172
Những loại quả xuất khẩu của Việt Nam đều được người Trung Quốc ưa chuộng vì chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.
Sau chuyến làm việc của Bộ NNPTNT với Bộ Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thêm hai loại trái cây của Việt Nam là bơ và chanh leo sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư sẽ được ký giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cây chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 9.500 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn.
Theo các thương lái, chanh leo là trái cây giàu vitamin, người dân Trung Quốc rất ưa thích sử dụng, do đó hàng có bao nhiêu cũng bán hết.
Hồi tháng 7/2022, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc. Ngày 27/11/2022, lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với khối lượng 18,4 tấn đã được vận chuyển đến khu chợ biên giới Pò Chài để tiến hành kiểm nghiệm, kiểm dịch. Sau khi đạt yêu cầu, lô hàng đã được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy để đưa vào chế biến.
Sau chanh leo, bơ cũng là loại quả mà người Trung Quốc ưa thích những năm gần đây. Với việc người tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới này càng ngày càng có ý thức cao về sức khoẻ, quả bơ, loại quả tốt cho tim mạch đang thu hút phân khúc khách hàng trẻ, thời thượng.
Phần lớn nhu cầu tại Trung Quốc đến từ “những người tiêu dùng thành thị” tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu. Quốc gia này cũng đang tìm cách tự chủ nguồn cung nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ còn lâu mới có thể sản xuất quả bơ quy mô lớn và cũng đối mặt với thách thức hậu cần do hoạt động sản xuất diễn ra tại những vùng sâu, vùng xa.
Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia. Đắk Nông được coi là "thủ phủ bơ" với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha.
Trước đó, quả dưa hấu tươi của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 44 triệu USD, tăng 162% so với cùng kỳ năm 2022. Dưa hấu là một trong những hoa quả ưa thích, là món ăn tráng miệng phổ biến của người tiêu dùng Trung Quốc trong các bữa ăn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Do đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/2-loai-trai-cay-sieu-tiem-nang-cua-viet-nam-sap-duoc-xuat-chinh-ngach-sang-trung-quoc-nguoi-dan-cuc-ua-chuong-co-bao-nhieu-mua-bay-nhieu-50807.html