'99% người dùng ChatGPT đang không hiệu quả'

'99% người dùng ChatGPT đang không hiệu quả'

23/08/2024 | Tác giả: Thanh Thư Lượt xem: 127


Ông Cao Vương, nhà sáng lập AIVA Group cho biết, 99% người dùng ChatGPT không hiệu quả do lúng túng, ngại công nghệ mới.

'99% người dùng ChatGPT đang không hiệu quả'

Nhận định trên được ông Vương đưa ra tại workshop "Ứng dụng AI đột phá doanh số bán hàng và Marketing" diễn ra vào ngày 23/8 thuộc diễn đàn AI4VN 2024 sáng ngày 23/8. Trong tham luận, chuyên gia cho biết thực trạng ứng dụng GenAI trên thế giới tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Trong đó, Adoption AI tăng 52%, AI tạo sinh bắt đầu được ứng dụng từ năm 2022, đến hiện tại tăng trưởng 62%. Đặc biệt, 92% công ty top 500 Fortune đã ứng dụng Gen AI, nhờ đó giúp họ tăng gần 16% doanh thu, cải thiện 37% năng suất nhân viên, gần 25% năng suất toàn doanh nghiệp, 55% năng suất của nhà phát triển.

Ông Cao Vương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị AIVA Group. Ảnh: Giang Huy

Các lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất là marketing và bán hàng; phát triển sản phẩm, dịch vụ; công nghệ thông tin. Ông Vương nhấn mạnh, 70% gen Z đang sử dụng AI tạo sinh, nổi bật thông qua Chatbots giúp doanh nghiệp tiết kiệm trung bình 2 giờ 20 phút mỗi ngày.

 

Tuy nhiên, việc ứng dụng GenAI vẫn còn nhiều thách thức với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp thiếu chiến lược. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dùng thường xuyên vẫn chưa cao.

Trong ngành marketing và bán hàng, AI được ứng dụng chủ yếu trong viết bài, viết quảng cáo hay nghiên cứu từ khóa. Các doanh nghiệp đang dùng Chatbots để bán hàng, đào tạo nhân sự. Ngoài ra, họ sử dụng ChatGPT để phục vụ người dùng cuối.

Tuy nhiên, ông Vương thông tin, doanh nghiệp Việt vẫn bị đánh giá rất ít sử dụng giải pháp này. Lý do đến từ việc họ lúng túng trong cách sử dụng, ngại công nghệ mới, hoang mang giữa "rừng" thông tin, sử dụng không hiệu quả dẫn đến không dùng nữa. Đặc biệt, 99% người dùng đang sử dụng ChatGPT không hiệu quả.

Lý giải điều này, nhà sáng lập AIVA chỉ ra những nhược điểm của GenAI đến từ việc người dùng không thể yêu cầu AI hoàn thành cả một nhiệm vụ lớn. Do đó, trong tương lai, nên tận dụng GenAI theo hướng tạo nội dung cho cả tháng chỉ trong 1 giờ, lên kế hoạch marketing tổng thể, viết một cuốn eBook trong 15 phút, tạo một video chỉ trong 5 phút, viết bài 3.000 từ chuẩn SEO bằng một click, tái chế nội dung đa kênh...

Ông Lê Hồng Quang trong phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy

Sau ông Vương, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA chia sẻ tham luận về "Ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp giúp tăng năng suất làm việc".

 

Theo ông Quang, AI đang được ứng dụng trong mọi mặt của quản trị doanh nghiệp, từ bán hàng, lên kế hoạch đến giám sát. Ông ví dụ, AI giúp người dùng viết email nhanh gấp 36 lần, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh gấp 24 lần, lập trình viên thi công giao diện website nhanh hơn 10 lần...

Diễn giả này chỉ rõ, trách nhiệm của các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam là tích hợp AI vào sản phẩm để phục vụ khách hàng. Ông cũng giới thiệu mô trình quản trị ứng dụng AI tại MISA, hướng tới giao tiếp bằng công nghệ, ứng dụng công nghệ thị giác máy tính để xử lý hồ sơ ứng viên, căn cước công dân, tự động hóa hoàn toàn khi kết hợp GenAI. Từ đó, con người có thể tập trung vào tham mưu, tư vấn và loại bỏ các khâu công việc lặp lại.

"Ứng dụng AI vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp SME vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam", ông Quang khẳng định.

Các chuyên gia giải đáp trong phiên thảo luận 2 tại AI4VN 2024. Ảnh: Giang Huy

Sau hai bài tham luận, các diễn giả bước vào phiên tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo tạo sinh và 'cơ hội vàng' cho doanh nghiệp". Tại đây, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam dự báo, AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động trong 3 năm tới. Vấn đề của SME là lựa chọn điểm rơi để ứng dụng AI, đồng thời cần lưu ý đến những rủi ro để chọn đối tác, môi trường.

Giáo sư Thuỷ cho biết, con người nên tận dụng nhưng không lạm dụng, phó mặc cho AI thay thế hoàn toàn. "Chúng ta cần kiểm soát dữ liệu từ sơ cấp, thứ cấp, lưu ý đến đạo đức khi ứng dụng AI tạo sinh. Sai lệch thường đến từ dữ liệu thứ cấp vì không đảm bảo chất lượng, được diễn giải trong ngữ cảnh khác", vị giáo sư nêu rõ.

Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai, đại diện MISA chia sẻ, vấn đề lớn nhất là nhận thức của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp không nhận thấy AI là xu thế, sẽ không thể lên kế hoạch. Tiếp đến là hạn chế về nguồn lực, ngân sách đầu tư, con người để xây dựng kế hoạch và triển khai.

Trong tương lai, các chuyên gia cho rằng xu hướng ứng dụng AI tạo sinh thông minh hơn, doanh nghiệp sẽ có công cụ AI riêng để kết nối thẳng với nhiều phầm mềm, tự động chăm sóc khách hàng bằng chatbots để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Khép lại workshop, độc giả đặt câu hỏi cho đại diện AIVA về khả năng trùng lặp nội dung khi người dùng sử dụng AI và cần xử lý vấn đề bản quyền ra sao trong thời gian tới.

Ông Cao Vương giải đáp, trong điều khoản của Google, không cấm nội dung được tạo ra từ AI. Do đó, AIVA có thể giúp doanh nghiệp tạo nội dung nhanh chóng. Doanh nghiệp nên xem đây là nguồn tham khảo, sau đó tùy biến để tạo ra giá trị thực sự cho người dùng cuối.

Workshop là sự kiện khởi động Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2024), tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Diễn ra từ 8h ngày 23/8, bốn phiên hội thảo (AI Workshop) nối tiếp với các diễn giả danh tiếng và chuyên gia trí tuệ nhân tạo đến từ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI.

AI4VN 2024 có chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh" (Unlock the power of Generative AI". Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Chương trình gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards; hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Ngoài phiên chính của AI4VN (AI Summit) diễn ra chiều 23/8 có sự tham của của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức quốc tế, trong khuôn khổ AI4VN 2024, một triển lãm (AI Expo) gồm các gian hàng trình diễn các sản phẩm AI tiêu biểu của các doanh nghiệp, viện, trường... Khách tham dự có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm mới ứng dụng AI đang có trên thị trường Việt Nam.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/99-nguoi-dung-chatgpt-dang-khong-hieu-qua-4784810.html


Chia sẻ trên

24/08/2024 | Tác giả: Thùy Linh

Sắp kiểm tra 116 doanh nghiệp vàng ở Hà Nội

Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.

23/08/2024 | Tác giả: PV

Thúc đẩy đầu tư, thu hút kiều hối vào phát triển kinh tế

Theo thống kê, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư ở trong nước, với tổng số vốn khoảng 1,7 tỷ USD.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...