An Giang đầu tư hạ tầng phát triển du lịch
04/01/2024 | Tác giả: THU THẢO Lượt xem: 202
Bên cạnh tiềm năng, điều kiện sẵn có, từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành, địa phương ở An Giang đã tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (DL) hoàn chỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dịch vụ… để ngành DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát huy tiềm năng sẵn có
An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bậc nhất khu vực ĐBSCL. Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, làng nghề thủ công truyền thống, công trình kiến trúc văn hóa độc đáo. An Giang còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò của ngành DL đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo động lực phát triển DL theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, từ tháng 6/2021 đến nay, tổng lượt du khách đến An Giang ước đạt 18,7 triệu lượt. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt gần 1,6 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt trên 12.000 tỷ đồng. An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú DL; 22 công ty lữ hành; 5 khu, điểm DL được công nhận, gồm: Khu DL quốc gia núi Sam, Khu DL núi Cấm (khu DL cấp tỉnh) và 3 điểm DL (Đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư và nông trại Phan Nam).
Hơn 2 năm qua, có 9 dự án trọng điểm về giao thông do tỉnh đầu tư trên địa bàn, trong đó có 2 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng và 7 dự án đang triển khai. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện thực hiện công tác xã hội hóa duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh. Trong 2 năm qua, thực hiện bê-tông hóa nhiều tuyến đường trong tỉnh, với tổng chiều dài 16,5km, kinh phí thực hiện trên 23,3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động của Nhân dân địa phương.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
“Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, hơn 2 năm qua, tỉnh còn tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, phát thanh - truyền hình… với công nghệ hiện đại có độ bao phủ rộng, băng thông lớn, tốc độ cao đồng bộ với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, thu hút khách DL đến với An Giang” - Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.
Để thu hút du khách, An Giang đẩy mạnh khai thác công nghệ 4.0 vào DL. Cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông triển khai sóng 5G ở các khu vực trọng điểm, phủ sóng Wifi công cộng tại các khu, điểm DL, bến xe, trung tâm mua sắm... của tỉnh theo phương thức xã hội hóa. Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển hệ thống cáp và trạm phát sóng BTS, nâng cao chất lượng phục vụ khách DL.
Bên cạnh quảng bá hình ảnh An Giang thông qua kênh truyền thống, hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ngành DL tỉnh đang từng bước thực hiện chuyển đổi số, góp phần quảng bá hình ảnh DL An Giang. Các hoạt động chia sẻ thông tin, trải nghiệm giúp quảng bá DL dễ dàng hơn, trực quan hơn, góp phần thu hút du khách đến trải nghiệm thực tế thông qua các kênh trực tuyến, như: Mạng xã hội (Facebook, Zalo), Cổng thông tin DL tỉnh An Giang (https://checkinangiang.vn), ứng dụng DL An Giang (Checkin An Giang)…
Với sự phổ biến của thiết bị di động thông minh, mạng xã hội thật sự là kênh quảng bá hiệu quả, đưa hình ảnh, địa điểm, clip về danh lam, thắng cảnh của An Giang đến với khách DL trong và ngoài nước thông qua trải nghiệm thực tế của các du khách.
Tỉnh còn ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư, lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực DL… Qua đó, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư dịch vụ phát triển DL. Tình hình an ninh trật tự, môi trường cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển DL tại các khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hình ảnh DL An Giang.
Đồng thời, phát triển mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ. Phát triển mạnh các loại hình hình dịch vụ DL. Phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa các sản phẩm DL, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút, giữ chân du khách.
Theo Báo An Giang https://baoangiang.com.vn/an-giang-dau-tu-ha-tang-phat-trien-du-lich-a375915.html |