An Giang hướng đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ
02/07/2024 | Tác giả: HOÀI ANH Lượt xem: 148
Những năm qua, An Giang triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Việc xác nhận và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân, gia đình (gọi tắt là người có công) đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Qua đó, góp phần chăm lo tốt hơn đối với sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần người có công.
Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Nguyễn Thị Lan Phương thông tin, năm 2024 tỉnh dự kiến thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công đối với 2.250 người. Trong đó, 600 người đi điều dưỡng tập trung, 1.650 người nhận chế độ điều dưỡng tại nhà với tổng kinh phí từ ngân sách (Trung ương và địa phương) trên 8,5 tỷ đồng.
Sở LĐ-TB&XH An Giang tích cực tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng tập trung, đảm bảo 100% người có công của tỉnh được thụ hưởng đúng, đủ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo quy định.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 40.000 người có công đang được quản lý và hưởng chế độ ưu đãi. Trong đó, chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng khoảng 6.000 người, chi trả hàng năm khoảng 10.000 người với kinh phí trên 200 tỷ đồng; còn lại đã được hưởng các chế độ liên quan theo quy định.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, nâng mức thu nhập hộ nghèo và cận nghèo lên, qua khảo sát các địa phương, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh phát sinh 392 hộ gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo (166 hộ), cận nghèo (226 hộ).
Quyết tâm không để gia đình người có công rơi vào nghèo khó, Sở LĐ-TB&XH An Giang đã đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định 2750/QĐ-UBND, ngày 11/11/2022 phê duyệt Kế hoạch xóa nghèo hộ gia đình người có công đến năm 2024.
Với nỗ lực của UBND các địa phương và ngành LĐ-TB&XH, bằng nhiều giải pháp, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 56 hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (giảm 151 hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, giảm 195 hộ người có công hộ thuộc diện cận nghèo). Kế hoạch năm 2024 phấn đấu hỗ trợ dứt điểm không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Trong đó, sẽ dành gần 900 triệu đồng để thăm hỏi, hỗ trợ từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh để xây mới và sửa chữa 18 căn nhà của người có công thuộc hộ nghèo, cận nghèo để không còn hộ nghèo, cận nghèo người có công khó khăn về nhà ở trước 1 năm (theo Quyết định 2570/QĐ-UBND tỉnh đến năm 2025).
Bên cạnh việc chăm lo, hỗ trợ về đời sống, nhà ở người có công, Sở LĐ-TB&XH An Giang còn tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH tăng kinh phí hỗ trợ cải tạo mộ và Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh hàng năm. Riêng trong năm 2024 là 14,5 tỷ đồng để sửa chữa, tu bổ, cải tạo hàng rào, sân lễ, cải tạo mộ 8 Nghĩa trang liệt sĩ bằng việc ốp đá Granit toàn bộ các mộ thay cho quét vôi, sơn bê hàng năm nhằm tôn tạo, giữ gìn lâu dài.
Tất cả 156/156 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Toàn tỉnh hiện có 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài chế độ theo quy định còn có các đơn vị nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời với số tiền từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.
Chuẩn bị Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chủ tịch nước ban hành quyết định tặng quà đối với người có công trên cả nước. Theo đó, An Giang sẽ được bố trí kinh phí trên 3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và trên 7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công văn 684/UBND-KGVX chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện tốt công tác tổ chức kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân sự hy sinh của các thế hệ Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; giữ gìn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Trên địa bàn toàn tỉnh sẽ diễn ra các hoạt động trọng tâm, như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu; thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các thương binh, bệnh binh đang được nuôi dưỡng tại trung tâm; các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.
UBND tỉnh An Giang còn yêu cầu tăng cường quản lý, chăm sóc, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát và đính chính thông tin mộ liệt sĩ (còn thiếu thông tin) trong các nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh; tổ chức Lễ cải táng hài cốt liệt sĩ được quy tập trong nước và từ nước bạn Campuchia đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (TX. Tịnh Biên) trước ngày 27/7; tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ...
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly nhấn mạnh, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, là hành động thiết thực nhất trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công ơn của các thế hệ Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến cuộc đời, hy sinh xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Theo báo An Giang
https://baoangiang.com.vn/an-giang-huong-den-ngay-thuong-binh-liet-si-a399185.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn