An Giang: Phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào khu công nghiệp
14/12/2023 | Tác giả: Bảo My Lượt xem: 262
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, tỉnh An Giang còn nhiều dư địa, có thể khai mở tiềm năng to lớn trong công nghiệp và cửa khẩu.
Thành lập sớm nhất (năm 2004), Khu công nghiệp Xuân Tô (TX. Tịnh Biên) có tổng diện tích gần 58ha. Các ngành nghề mời gọi đầu tư, gồm: Sản xuất, gia công hàng may mặc, giày thể thao; chế biến nông sản thực phẩm và thức uống; công nghiệp đóng gói, lắp ráp điện tử...
Hiện, nhiều nhà đầu tư tìm hiểu thực hiện dự án; 2 nhà đầu tư được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; dự kiến lấp đầy trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Xuân Tô (mở rộng) đang được hoàn chỉnh, trình phê duyệt, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu.
Năm 2007, Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú, quy mô hơn 30,5ha) được hình thành. Tiếp nối quá trình này, năm 2009, Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) được thành lập, quy mô gần 132ha, đang mời gọi dự án hạ tầng Khu công nghiệp Bình Hòa mở rộng (quy mô 120ha).
Tại huyện cù lao Chợ Mới, năm 2012, Khu công nghiệp Hội An (100ha) được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, mang tính chất tập trung, đa ngành: Công nghiệp chế biến rau quả, công nghệ sinh học (nghiên cứu sinh hóa phẩm), sản xuất phân bón, xay xát - lau bóng gạo, chế biến thủy sản đông lạnh. Hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng tìm đến.
Đến nay, tỉnh thu hút được 30 DN đầu tư dự án sản xuất - kinh doanh tại Khu công nghiệp Bình Hòa, Bình Long và Xuân Tô, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.825 tỷ đồng. Khu công nghiệp Vàm Cống (quy mô 193ha tại TP. Long Xuyên) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2022, dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8.000 lao động địa phương.
Theo Quyết định 326/QĐ-TTg, ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thì đến năm 2030, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp, tổng diện tích 872ha (bổ sung mới Khu công nghiệp Định Thành, huyện Thoại Sơn).
Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên 30.729ha, bao gồm: Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương (khoảng 12.487ha), cửa khẩu Khánh Bình (khoảng 8.141ha), cửa khẩu Tịnh Biên (khoảng 10.071ha).
Lợi thế đường biên giới giúp An Giang có thế mạnh về vị trí địa lý, thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng góp phần tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu trọng điểm, sẽ được tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Một cột mốc quan trọng được đánh dấu vào ngày 23/2/2023, khi UBND tỉnh phối hợp Tòa Hành chính tỉnh Kandal tổ chức lễ công bố Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và hợp nhất với Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương - Kaorm Samnor. Sau khi Chính phủ điều chỉnh bổ sung cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) vào Quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, UBND tỉnh thông qua Bộ Ngoại giao trình Chính phủ Đề án mở rộng và nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Khánh Bình.
Thời điểm này, Khu thương mại Tịnh Biên, Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình, Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương thu hút được 18 dự án hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đa dạng ngành nghề, tổng diện tích cho thuê khoảng 23ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 705 tỷ đồng.
Qua đó, đã tạo tín hiệu tốt, góp phần thu hút được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư trong và ngoài nước với dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, ưu tiên dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng đô thị, logistic, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, công tác quy hoạch cho thấy định hướng phát triển phù hợp. Từ đó, tỉnh triển khai đầu tư đồng bộ nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần gắn kết các khu công nghiệp và khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu. Các quy hoạch được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi để nhiều DN tham gia đầu tư; đảm bảo mục tiêu vừa ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực cửa khẩu.
Việc triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu kinh tế cửa khẩu An Giang góp phần tạo nguồn thu ngân sách tỉnh, bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông tại cửa khẩu thông thoáng cho DN hoạt động, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy kinh tế địa phương nói riêng và An Giang nói chung ngày càng phát triển.
Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đã có 48 dự án được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8.530 tỷ đồng, tổng doanh thu ước đạt khoảng 45.218 tỷ đồng; nguồn thu cho ngân sách Nhà nước lũy kế ước đạt khoảng 578 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 14.500 lao động địa phương. Dự kiến, sau khi các dự án còn lại chính thức vào hoạt động, sản xuất; tất cả dự án FDI trong khu công nghiệp đạt 100% công suất đã đăng ký, gần 20.000 lao động có việc làm.
Theo Môi trường đô thị
https://www.moitruongvadothi.vn/an-giang-phat-trien-kinh-te-huong-tap-trung-vao-khu-cong-nghiep-a149418.html