Bắc Giang nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
01/08/2022 | Tác giả: Minh Cảnh Lượt xem: 398
Những năm qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn được chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đã mang lại hiệu quả tích cực. Giai đoạn 2020-2021, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 67.500 lao động (đạt 107,9% kế hoạch), trong đó việc làm trong nước 64.100 người (đạt 114% kế hoạch), xuất khẩu lao động 3.400 người (đạt 55,1% kế hoạch).
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành điều tra thu thập thông tin cung - cầu lao động và cập nhật vào phần mềm. Trong 2 năm qua, Sở LĐTBXH phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành 02 cuộc điều tra cung lao động tại các hộ gia đình, 02 cuộc điều tra cầu lao động tại các doanh nghiệp; qua đó, nắm bắt thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền rộng rãi về nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, cung cấp thông tin về nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cũng được chú trọng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay có 01 Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thuộc Sở LĐTBXH và 20 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Các đơn vị đã tích cực, chủ động trong việc tiếp nhận tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động của địa phương cũng như lao động ngoài tỉnh; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn để thực hiện dịch vụ giới thiệu, cung ứng lao động, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn lao động thường xuyên, liên tục khi có nhu cầu tuyển dụng. Định kỳ tổng hợp và thông báo khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc cung ứng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp dịch vụ việc làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để các doanh nghiệp chủ động trao đổi, ký hợp đồng và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, thực hiện báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động của địa phương theo quy định. Trong giai đoạn 2020 - 2021, tỉnh tổ chức 141 phiên giao dịch việc làm thu hút trên 600 đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; 09 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia; đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 33.600 lao động; có 3.200 lao động được giới thiệu việc làm trực tiếp cho các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức: tuyên truyền, vận động người lao động trên hệ thống truyền thanh cơ sở cho người lao động tham gia ứng tuyển; thông báo trên các nhóm zalo của người lao động Bắc Giang đang làm việc tại các tỉnh, thành phố biết để về tỉnh làm việc nếu có nhu cầu.
Hoạt động xuất khẩu lao động tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định mới về xuất khẩu lao động; các chương trình tuyển chọn lao động do Bộ LĐTBXH triển khai và các đơn hàng của các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, giúp người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, nhanh chóng để chủ động tham gia các chương trình phù hợp với bản thân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia về việc để tạo việc làm cho người lao động. Doanh số cho vay từ năm 2020 đến ngày 31/12/2021 là 289,4 tỷ đồng, có 5.388 khách hàng được vay vốn, có 5.388 người lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó lao động nữ là 3.547 người, lao động là người khuyết tật 173 người, lao động là người dân tộc thiểu số 274 người. Dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến ngày 31/12/2021 là hơn 334,2 tỷ đồng, tăng 132,5 tỷ đồng so với năm 2019, có 6.481 khách hàng còn dư nợ, bình quân 51,6 triệu đồng/lao động.
Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã có tác động tích cực đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn, đặc biệt đối tượng vay là người dân tộc thiểu số, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt đối với lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội. Công tác quản lý, giám sát lao động nước ngoài được các cơ quan chuyên môn thực hiện thường xuyên; phối hợp tổ chức rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài và mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 67.500 lao động (đạt 107,9% kế hoạch giai đoạn này), trong đó: Việc làm trong nước 64.100 người (đạt 114% kế hoạch giai đoạn); xuất khẩu lao động là 3.400 người (đạt 55,1% kế hoạch giai đoạn); cơ bản giải quyết việc làm cho lực lượng lao động mới tham gia thị trường lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm của địa phương, đạt và vượt các chỉ tiêu đã được giao.
Năm 2022, Bắc Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho 32.000 lao động, trong đó đưa 1.500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động mang tính thời vụ về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Chỉ đạo lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, xây dựng nông thôn mới để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ việc làm theo hướng tập trung, có hiệu quả, vững chắc; khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải; ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc./.
Theo báo Lao động Xã hội
http://laodongxahoi.net/bac-giang-nhieu-giai-phap-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-1323945.html