Bắc Giang: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP
05/09/2023 | Tác giả: Thu Hằng Lượt xem: 393
Sau 6 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã phát huy khả năng sáng tạo, với các ý tưởng khởi nghiệp về phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương - sản phẩm OCOP.
Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực triển khai sâu rộng thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2023; phát động các cuộc thi khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức và Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức...
Đã có 52 ý tưởng tham gia dự thi, trong đó có 2 dự án xuất sắc lọt vào vòng bán kết cấp vùng Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức thành công “Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” năm 2023, với 23 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu hơn 135 sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm đặc trưng của 17 đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Dương Thanh Tùng, cho biết: Để phát huy vai trò của phụ nữ Bắc Giang đối với việc phát triển các sản phẩm OCOP, phát huy tài nguyên bản địa, đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức lồng ghép trên 35.000 buổi tuyên truyền về vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, phát triển các sản phẩm OCOP; các mô hình điển hình, cách làm sáng tạo có hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thông qua những hoạt động thiết thực như: Vận động tuyên truyền thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển sản phẩm OCOP, bảo tồn làng nghề, văn hóa truyền thống; trực tiếp lao động, sản xuất và tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; lãnh đạo, quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của phụ nữ và lao động nông thôn... đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xây dựng NTM và thực hiện Chương trình OCOP
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều điển hình nữ lãnh đạo các hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, với tinh thần mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, thực hiện tốt phương châm “Ly nông bất ly hương”, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà Ngụy Thị Tuyến, cho biết: Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa của địa phương, thời gian tới, Hội LHPN các cấp sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho phụ nữ về phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có Chương trình OCOP. Tích cực triển khai Chương trình OCOP gắn với Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án ”Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”…
Cùng với đó, đẩy mạnh và tăng cường hoạt động tập huấn, hướng dẫn phụ nữ nông thôn để nâng cao năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của phụ nữ và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số cho phụ nữ nông thôn; hình thành không gian để phát huy, tạo sự lan tỏa về các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Theo báo Tin tức
https://baotintuc.vn/dia-phuong/bac-giang-phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-phat-trien-san-pham-ocop-20230830161215450.htm