Báo chí thúc đẩy khớp lệnh cung cầu
21/06/2022 | Tác giả: Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Lượt xem: 453
Hơn 2 năm đại dịch gây ra những tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp bất động sản nhưng báo chí đã luôn đồng hành, là “liều thuốc” tinh thần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Báo chí ngoài việc truyền tải thông tin phản ánh những thực trạng vướng mắc của doanh nghiệp để cơ quan hoạch định chính sách có những điều chỉnh kịp thời còn giúp doanh nghiệp nắm bắt chính sách, điều chỉnh kế hoạch, kết nối kinh doanh. Đặc biệt, báo chí đóng vai trò quan trọng thúc đẩy khớp lệnh cung cầu các phân khúc bất động sản.
Từ chính sách
Nhờ sự đồng hành của báo chí, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đã có hơn 100 văn bản với 36 nhóm vấn đề có nội dung liên quan đến: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… và đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, về công khai minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Kết quả Chính phủ đã ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013…
Đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến Nghị định số 68/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015; Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực 1/7/2015) với nhiều điểm mới “Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản”, hợp đồng và chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản… cũng đã được bộ, ngành và Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ.
Đến thực tiễn
Trên thực tế, điều kiện về nhà ở của một bộ phận người lao động ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có hàng triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chưa có chỗ ở ổn định. Mặc dù các cấp các ngành và bản thân các đối tượng trong diện nhà ở xã hội đã có nhiều cố gắng, từ chính sách thuê mua nhà trả chậm, đến việc áp dụng các gói hỗ trợ cho người lao động mua nhà xã hội hay các tổ chức tín dụng dành các khoản tín dụng rất lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu mua nhà… nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập; Nguồn vốn ngân sách bố trí hỗ trợ, lãi suất chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đã có hàng trăm nhà báo, hàng nghìn bài viết phản ánh, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm đổi mới, mang tính đột phá. Tham gia ý kiến về ban hành chính sách nhà ở xã hội ở đô thị, nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà ở công nhân khu công nghiệp góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội đã đề xuất các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân. Hiện các địa phương đang vào cuộc mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, trước những biến động của địa chính trị, thay đổi của kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế, chuyển đổi công nghệ số, thị trường bất động sản sẽ có những tác động nhất định và doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ chuyển mình để thích nghi và hội nhập. Do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tin tưởng báo chí sẽ tiếp tục là “cầu nối”, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường bất động sản Việt Nam, truyền tải đến cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phát huy tối đa nhất trách nhiệm và nghĩa vụ, tham mưu gửi ý kiến đề xuất, đóng góp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Sự tương tác, hỗ trợ qua lại giữa báo chí và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay thật sự cần thiết và là quy luật của sự phát triển. Mong rằng mối quan hệ ngày càng bền chặt và cùng khai thác những giá trị để hai bên cùng đạt được kết quả tốt đẹp.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
https://diendandoanhnghiep.vn/bao-chi-thuc-day-khop-lenh-cung-cau-225285.html