'Bão' đã nổi, mặt hàng quan trọng 15 ngày 3 lần tăng giá

'Bão' đã nổi, mặt hàng quan trọng 15 ngày 3 lần tăng giá

16/03/2022 | Tác giả: Lương Bằng Lượt xem: 316


Thép được coi là bánh mì của ngành công nghiệp và từ đầu năm đến nay giá thép tiếp tục tăng chóng mặt. Cùng với giá xăng dầu, giá cả nhiều hàng hóa khác cũng liên tục tăng giá.

'Bão' đã nổi, mặt hàng quan trọng 15 ngày 3 lần tăng giá

Ngày 15/3, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên gửi đến khách hàng thông báo tăng giá bán sản phẩm thép cây và thép cuộn xây dựng.

Theo đó, giá thép cây tăng thêm 600 nghìn đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Lý do là tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá thép cây liên tục được công ty này tăng giá. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá thép cây đã 6 lần tăng giá. Trong đó, lần tăng cao nhất là ngày 15/3 với mức tăng thêm như đề cập ở trên. Các lần tăng giá trước đó đều từ 200.000-300.000 đồng/tấn.

6 lần tăng giá thép cây liên tiếp từ đầu năm

Qua 6 lần tăng giá, giá thép cây đã đắt hơn thời điểm cuối năm 2021 tới 2 triệu đồng/tấn.

Tương tự, giá thép cuộn xây dựng cũng tăng chóng mặt. Chốt năm 2021, giá thép cuộn xây dựng đã tăng 150.000 đồng/tấn vào ngày 27/12. Tuy nhiên, bước sang 2022 đà tăng còn khủng khiếp hơn.

Từ đầu năm đến nay, giá thép cuộn xây dựng đã tăng tổng cộng 7 lần. Lần tăng ‘nhẹ’ nhất là ngày 8/1 với mức tăng 50.000 đồng/tấn, nhưng các lần tăng về sau thì càng phi mã. Mức tăng giá gần nhất ngày 15/3 cũng lên tới 600 nghìn đồng/tấn.

Từ đầu tháng 3, đến nay, giá thép cuộn xây dựng đã qua ba lần tăng giá với tổng mức tăng lên tới 1,5 triệu đồng/tấn: Ngày 5/3 tăng 400 nghìn đồng; ngày 9/3 tăng 600 nghìn; ngày 15/3 tăng 600 nghìn.

Tổng cộng từ đầu năm đến nay giá thép cuộn xây dựng đã tăng tới 2,45 triệu đồng/tấn.

Giá thép cuộn xây dựng đã 7 lần tăng giá

Không chỉ giá xăng dầu, sau kỳ điều chỉnh ngày 11/3, giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng mạnh.

Ngày 14/3, Chi nhánh công ty CP Kinh doanh xi măng miền Bắc tại Yên Bái cũng thông báo tăng giá bán các mặt hàng xi măng thêm 50.000 đồng/tấn. Lý do được đưa ra là do chi phí đầu vào để sản xuất xi măng tăng cao như giá than, dầu, cước vận chuyển phụ gia... dẫn đến giá thành sản xuất xi măng cũng tăng theo.

Ngày 12/3, Công ty CP Xi măng Xuân Thành cũng thông báo tăng thêm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao, rời. Thời gian áp dụng từ 6h ngày 20/3.

Cũng trong ngày 14/3, Công ty CP Công nghệ và Giải pháp nước Tân Á Đại Thành cũng tăng giá sản phẩm bình nước nóng từ 200.000-300.000 đồng/bình. Máy lọc nước điều chỉnh tăng từ 200.000-250.000 đồng/máy. Mức giá mới được áp dụng từ ngày 21/3.

Lý do được công ty này đưa ra là vì đứng trước biến động liên tục tăng của giá nguyên liệu như dầu thô, niken, khí đốt, xăng với mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ và giá lên cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Khi nhận được thông báo tăng giá của đơn vị sản xuất, hầu hết các nhà phân phối khi được hỏi đều tỏ ra băn khoăn. Bởi, mức giá tăng khiến nhà phân phối phải bỏ ra lượng tiền nhiều hơn để nhập cùng một số lượng hàng hóa. Vốn bỏ ra nhiều hơn trong khi lãi vẫn như vậy là điều khiến nhiều nhà phân phối tỏ ra không vui. Mặt khác, các nhà phân phối lo ngại việc tăng giá nhiều sản phẩm hàng hóa có thể khiến cho sức mua thấp đi.

Giá thép lại tăng mạnh. Ảnh: Lương Bằng

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng: Giá xăng, dầu từ đầu năm tới nay đã tăng rất mạnh, tạo áp lực rất lớn với nền kinh tế. Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng, dầu. Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích: Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng, dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng, dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Theo Vietnamnet

15 ngày 3 lần tăng giá, giá thép tăng phi mã - VietNamNet


Chia sẻ trên

15/03/2022 | Tác giả: Hoàng Lam

Liên kết đào tạo nhìn từ việc doanh nghiệp "cầu cứu" nhân lực trường nghề

Chỉ khi thiếu hụt lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp mới "cầu cứu" các trường nghề chi viện. Bất cập trong hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng bộc lộ rõ hơn.

16/03/2022 | Tác giả: Hà Duyên

Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Không có nhiều biến động

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động nhiều, riêng giá gạo nguyên liệu và phụ phẩm giảm nhẹ 50 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm tiếp tục tăng 5 USD/tấn, vượt gạo của Thái Lan. Thị trường giao dịch ổn định.

15/03/2022 | Tác giả: Thanh Quang

Nhiều DN xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường Châu Âu.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...