Báo Quảng Trị với những việc làm “từ tâm”
11/07/2024 | Tác giả: Tùng Lâm Lượt xem: 96
Với quan điểm làm gì cũng nhằm mục đích phục vụ Nhân dân, xây dựng xã hội, đất nước tốt đẹp hơn, vậy nên trong 15 năm qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Quảng Trị chú trọng đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội, nhằm giúp đỡ người dân một cách trực tiếp, cụ thể hơn.
Nhiệm vụ mới !
Khởi nguồn hoạt động an sinh xã hội của Báo Quảng Trị là từ năm 2009, khi cơn bão số 9 càn quét qua địa bàn tỉnh, gây bao hậu quả nặng nề về người và tài sản. Trước tình cảnh ấy, Ban biên tập báo kêu gọi cộng đồng chung tay khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Năm đó, Báo Quảng Trị phối hợp với Báo Hà Nội Mới hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng lại Trường Tiểu học Ba Nang và thăm, tặng quà 5 gia đình ở huyện Đakrông với tổng giá trị 200 triệu đồng. Từ hoạt động xã hội, từ thiện đầu tiên này đã gợi mở trong lãnh đạo cơ quan báo một nhiệm vụ mới - công tác an sinh xã hội.
Từ ý tưởng đó, trên báo Quảng Trị rải rác đăng các bài viết về những trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Đến năm 2012, báo mở chuyên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ”, mỗi tuần đăng một hoàn cảnh trên số báo cuối tuần và bắt đầu hoạt động tặng quà cho những trường hợp đã đăng báo.
Tuy vậy, kết quả mang lại không được là bao do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa biết nhiều về công tác xã hội, từ thiện của báo.
“Cái khó ló cái khôn”, không đợi nhà hảo tâm chủ động hỗ trợ, mà báo chủ động tìm đến các doanh nghiệp vận động kinh phí để giúp đỡ người nghèo, đồng thời chính thức tổ chức chương trình “Địa chỉ cần giúp đỡ” (nay là chương trình “Vòng tay nhân ái Báo Quảng Trị”), hỗ trợ cho tất cả các trường hợp đã đăng báo.
Nhờ tài trợ của Công ty Cổ phần Minh Hưng Quảng Trị, 12 trường hợp đầu tiên được hỗ trợ theo chương trình này là những hoàn cảnh khó khăn đăng trên báo Quảng Trị trong quý 1/2014, với mức mỗi suất 1 triệu đồng.
Từ đó, định kỳ hằng quý, lãnh đạo, phóng viên báo cùng nhà tài trợ đến từng gia đình ở các địa phương để thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ. Cùng với chương trình “Địa chỉ cần giúp đỡ”, năm 2016, báo bắt đầu tổ chức chương trình “Quà Tết cho người nghèo”, tặng hàng ngàn suất quà cho những trường hợp khó khăn trên địa bàn tỉnh mỗi khi tết đến xuân về.
Bên cạnh các chương trình an sinh xã hội, nhằm tri ân mảnh đất và con người đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, từ năm 2012 đến nay, Báo Quảng Trị và Báo Kinh tế & Đô thị đồng tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Tháng 7” vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm.
Không những thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, từ thiện với người có công và các hoàn cảnh khó khăn, mà khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, báo cũng vào cuộc kêu gọi, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ nguồn lực để kịp thời tổ chức cứu trợ, giúp đỡ người dân gặp nạn.
Chuyện khó quên
Trong quãng thời gian dài 15 năm thực hiện hoạt động tri ân gia đình có công, giúp đỡ người nghèo, các hoàn cảnh éo le, đến cứu trợ khi có thiên tai, dịch bệnh, chúng tôi gặp nhiều mảnh đời bất hạnh in sâu vào tâm trí không thể nào quên.
Đó là, sau những lần cùng lãnh đạo Báo Quảng Trị đến thăm, hỗ trợ các hoàn cảnh thật thương tâm, ông N.T.T., giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở thành phố Đông Hà chân tình rằng: “Lần sau mình tài trợ rồi nhờ các anh chuyển đến, chứ mỗi lần trực tiếp đi trao quà là về cứ ám ảnh mãi, mất ngủ mấy đêm liền”.
Không ám ảnh sao được khi chứng kiến cảnh cụ bà đã bao năm ngồi chăm ông lão bị tai biến và đứa con bị tai nạn giao thông, cả hai đều nằm liệt giường, sống thực vật. Những trường hợp nạn nhân chất độc da cam, như một gia đình có đến 4 người con tật nguyền, đầu vẹo, tay chân khèo, khuôn mặt méo mó, nói ngọng nghịu, áo quần rách rưới, thần kinh bất thường; cảnh hai “cháu bé” nằm cạnh chồng bỉm vệ sinh cao ngất ngưỡng, nhưng thực ra đã hơn 30 tuổi rồi. Bà cụ 95 tuổi nuôi đứa con 60 tuổi bị tâm thần trong căn nhà xiêu vẹo, không điện, nước.
Cụ nói: “Ai cho chi ăn nấy, mệ nấu một lon gạo cùng chén muối ớt là hai mạ con ăn cả ngày. Mệ nhịn đói tài lắm, có khi hai ba ngày không ăn chi cả”...
Đầu tháng 10/2020, miền Trung xảy ra cơn “đại hồng thủy”, nhấn chìm hàng triệu ngôi nhà, tài sản và hàng trăm người chết. Trong bão lụt, mưa gió trắng trời đó, Báo Quảng Trị đã tổ chức các đoàn cứu trợ đến những vùng đang bị nước cô lập ở Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị để kịp thời giúp đỡ người dân. Khác với những lần làm từ thiện trước, việc cứu trợ trong bão lụt tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc nhưng chúng tôi vẫn không quản ngại.
Vừa qua thiên tai lại đến dịch họa. Biết tin ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh vừa điều trị khỏi, chuẩn bị xuất viện, lãnh đạo báo đã mang hoa và 10 triệu đồng đến bệnh viện để chúc mừng bệnh nhân, trong lúc phần lớn mọi người đều ngại tiếp xúc, vì sợ lây nhiễm. Điều này không chỉ động viên kịp thời người bệnh mà còn tuyên truyền hiệu quả là không nên “kỳ thị” với người mắc COVID-19. Hay tin sự việc, một lãnh đạo tỉnh ghi nhận qua tin nhắn gửi chúng tôi: “Báo Quảng Trị kịp thời và rất nhân văn!”.
Thêm một chuyện đáng nhớ nữa. Một lần chúng tôi và đơn vị tài trợ trao đổi về việc phối hợp làm từ thiện qua mạng xã hội, trong lúc hai bên đều chưa hề biết nhau. Mọi việc vẫn cứ phải diễn ra, nhất là đã mời hàng chục người dân đến nhận quà, trong lúc phần quan trọng nhất là tiền thì chưa có. Biết vậy, nhưng không dám đề cập, vì chuyện “tế nhị”, sợ nhà tài trợ hiểu nhầm. Chúng tôi chỉ có một niềm tin là mình làm việc phúc đức chắc không trở ngại.
Khi công việc hoàn thành, phía nhà tài trợ cũng cởi mở chân tình, là không dám chuyển tiền trước vì sợ rủi ro! Cũng trong lần đó, người đứng đầu doanh nghiệp tài trợ chia sẻ, trước khi thực hiện chương trình thì cũng có phần lo ngại bởi mối quan hệ “nhạy cảm” giữa báo chí với doanh nghiệp. Nhưng lần phối hợp này đã làm thay đổi trong anh cách nhìn về báo chí và nhà báo, đó là sự thân thiện, gần gũi, cùng nhau hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Con số ấn tượng
Với quan điểm làm những gì có thể để phục vụ, giúp đỡ Nhân dân là mục tiêu mà lãnh đạo cũng như cán bộ, phóng viên báo luôn hướng đến. Vậy nên, những năm qua trên mọi nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới đến miền biển đảo, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo đều đến thăm hỏi, hỗ trợ xây dựng nhà ở (96 ngôi nhà), sinh kế (6 con bò giống), phương tiện đi lại (800 chiếc xe đạp), trang thiết bị phục vụ học tập (hàng chục bộ máy tính, ti vi, bàn ghế) và hàng chục nghìn suất quà bằng tiền, vật dụng sinh hoạt gia đình; hỗ trợ địa phương xây dựng trường học, công trình phúc lợi công cộng; nhận đỡ đầu 4 cháu nhỏ mồ côi... với tổng trị giá hàng chục tỉ đồng.
Đối tượng được quan tâm tri ân, giúp đỡ là gia đình có công với cách mạng, những hoàn cảnh éo le, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, các hộ nghèo, học sinh, sinh viên vượt khó... Hoạt động tri ân, từ thiện của báo đã hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó đã lan tỏa sâu rộng tình cảm yêu thương, khơi dậy tính nhân văn, lòng trắc ẩn trong mỗi con người để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với Báo Quảng Trị, chúng tôi xem hoạt động xã hội từ thiện trong suốt 15 năm qua là những việc làm “từ tâm”, mình tự giao nhiệm vụ cho mình, với mong muốn ngoài công việc chính là làm báo, thì làm thêm được gì cho Nhân dân càng tốt. Bởi vậy, tuy vất vả nhưng nhìn lại những đóng góp cho xã hội, những người làm báo chúng tôi thấy vui, hạnh phúc!
Theo Báo Quảng Trị
https://baoquangtri.vn/bao-quang-tri-voi-nhung-viec-lam-tu-tam-186675.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn