Bình Thuận vùng đất giàu bản sắc văn hóa - Bài cuối: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa

Bình Thuận vùng đất giàu bản sắc văn hóa - Bài cuối: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa

10/08/2022 | Tác giả: Thanh Trà - Hồng Hiếu Lượt xem: 457


Sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, phong phú, tỉnh Bình Thuận xác định phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng sản phẩm gắn với nét văn hóa bản địa để định vị, nâng tầm cho “ngành công nghiệp không khói” của địa phương.

Bình Thuận vùng đất giàu bản sắc văn hóa - Bài cuối: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa

* Hình thành nhiều sản phẩm hấp dẫn

Đề cập đến khai thác nguồn tài nguyên văn hóa vào phát triển du lịch, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, giá trị văn hóa nếu được bảo tồn, phát huy hiệu quả sẽ trở thành điểm tựa vững chắc, là “mỏ kim cương” để du lịch Việt Nam nói chung, du lịch từng địa phương nói riêng, trong đó có Bình Thuận nâng tầm, lan tỏa nhiều sản phẩm đặc sắc, tạo giá trị khác biệt cho điểm đến. Mặt khác, chính từ các điểm đến văn hóa, di sản tạo thuận lợi để kết nối, khai thác các loại hình du lịch khác như du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao tầm cỡ mà Bình Thuận đang rất có thế mạnh.

Trường Dục Thanh nay là Khu di tích Dục Thanh (Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận). Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN 

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Không chỉ tạo được sức hút với du khách từ những điểm đến gắn liền với tài nguyên du lịch biển, đảo, hiện nay trong số hơn 70 di tích văn hóa lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và cấp tỉnh có rất nhiều di tích, lễ hội, làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, đón ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Trong các hành trình tour tới Bình Thuận, các điểm đến văn hóa như: Di tích Trường Dục Thanh, dinh Vạn Thủy Tú cùng lễ hội Cầu ngư của người dân làng chài hay Di tích dinh Thầy Thím và lễ hội dinh Thầy Thím, chùa núi Tà Cú, quần thể tháp Posa Inư và lễ hội Katê, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm và làng gốm Chăm thôn Bình Đức (huyện Bắc Bình) đang được nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn thiết kế làm điểm nhấn, dành thời gian đáng kể trong chương trình trải nghiệm, giúp du khách khám phá nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người ở duyên hải Nam Trung Bộ.

Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia quần thể tháp Pô Sah Inư tại thành phố Phan Thiết mỗi năm đón hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế. Cùng với đó, trong nhiều năm qua, lễ hội Katê của đồng bào Chăm được tỉnh Bình Thuận phục dựng ngay tại tháp Pô Sah Inư đã trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được địa phương lựa chọn để phát triển du lịch, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào nơi đây, mà còn góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch hậu COVID-19, hiện nay cùng với các điểm đến tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với biển, đảo, các điểm đến đậm nét văn hóa ở Bình Thuận đều đón lượng lớn du khách, góp phần tạo nên kết quả khá ấn tượng cho du lịch của tỉnh trong 7 tháng của năm 2022, với trên 2,9 triệu du khách, tổng doanh thu đạt trên 5.417 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, du lịch tỉnh kỳ vọng đón 4,5 triệu lượt du khách trong cả năm 2022; khẳng định sức hút của du lịch ở địa phương được chọn đăng cai Năm du lịch Quốc gia 2023 sắp tới với chủ đề “Bình Thuận -  Hội tụ xanh”.

Ấn tượng khi đến du lịch Bình Thuận, chị Đinh Ngọc Trang (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Đến Bình Thuận, tham quan quần thể tháp Pô Sah Inư vào đúng thời điểm diễn ra lễ hội Katê của đồng bào Chăm, chị cùng bạn bè đã được xem biểu diễn nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian với những nhạc cụ truyền thống độc đáo ngay từ tên gọi như trống Ginăng, trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong, đàn Kanhi. Một số người bạn của chị sau chuyến đi đó đã có dịp trở lại vùng đất này, lưu lại nhiều ngày hơn để tìm hiểu, tiếp tục khám phá những nét văn hóa của người Chăm hay trải nghiệm cuộc sống của ngư dân nơi làng chài ven biển Phan Thiết.

* Nâng tầm cho điểm đến

Với quan điểm nâng cao chất lượng, đa dạng, nâng tầm các sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng thu hút du khách, tạo sức hấp dẫn để du khách đến không chỉ một lần, Bình Thuận coi trọng việc sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên cơ sở hệ thống tài nguyên du lịch của các địa phương trong tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của địa phương, thu hút nhiều du khách với thời gian lưu trú dài hơn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh với quan điểm coi trọng phát huy các giá trị về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, đón 8,9 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-12%.

Đồng thời, tỉnh tập trung khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương, tạo sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm du lịch. Tỉnh đầu tư xây dựng Bảo tàng Bình Thuận, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm đời sống, phong tục tập quán, những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân địa phương. Tỉnh coi trọng khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề… góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến Bình Thuận.

Là đơn vị trực tiếp vận hành khu nghỉ dưỡng cao cấp, thiết kế và khai thác nhiều sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực biển Mũi Né, Phan Thiết kết hợp với các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính trải nghiệm, ông Nguyễn Cảnh, Trợ lý Ban Điều hành Pandanus Resort cho biết: Bên cạnh việc nâng cấp, khai thác các dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức đặc sản của du khách, đơn vị còn có những sản phẩm du lịch đáp ứng mong muốn trải nghiệm, khám phá nét văn hóa tiêu biểu của người dân địa phương như tham quan, tìm hiểu cuộc sống của cư dân làng chài, tham gia hoạt động mua bán, chế biến hải sản; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc của người Chăm, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách khi đến du lịch ở vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo Báo Tin Tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/binh-thuan-vung-dat-giau-ban-sac-van-hoa-bai-cuoi-phat-trien-san-pham-du-lich-gan-voi-van-hoa-ban-dia-20220809170606192.htm


Chia sẻ trên

10/08/2022 | Tác giả: Minh Huy

Samsung giới thiệu loạt thiết bị mới nhất tại Galaxy Unpacked

Hai mẫu flagship gập mở cùng tai nghe, smartwatch thế hệ mới nhất sẽ được Samsung giới thiệu trong sự kiện ra mắt sản phẩm Galaxy Unpacked ngày 10/8.

10/08/2022 | Tác giả: Phạm Diệp

7 tháng, cả nước có khoảng 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong 7 tháng năm 2022, cả nước đã đưa 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm.

10/08/2022 | Tác giả: Quốc Toàn

Những biểu hiện của tình trạng thiếu sắt

Các trường hợp thiếu sắt có thể bao gồm trẻ em trước tuổi đến trường, thanh thiếu niên và cả phụ nữ mang thai.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...