Bỏ đấu giá sau khi trả 30 tỷ đồng một m2 đất ngoại thành Hà Nội

Bỏ đấu giá sau khi trả 30 tỷ đồng một m2 đất ngoại thành Hà Nội

02/12/2024 | Tác giả: Võ Hải - Anh Tú Lượt xem: 61


Phiên đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn ngày 29/11 gặp sự cố khi khách hàng trả giá cao đến 30 tỷ đồng/m2, nhưng sau đó xin dừng tham gia. Kết quả, 30 thửa đất không bán được. Huyện sẽ báo cáo và yêu cầu điều tra.

Bỏ đấu giá sau khi trả 30 tỷ đồng một m2 đất ngoại thành Hà Nội

Phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn "có dấu hiệu bị phá" sau khi khách trả giá lên đến 30 tỷ đồng một m2, rồi lại xin dừng tham gia, theo một lãnh đạo huyện.

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô.

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, tại vòng thứ 6, sự cố xảy ra khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá này, theo một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn. Cụ thể, nhiều khách hàng tại các vòng trước đó đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng một m2, trong đó thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng một m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng, rồi xin dừng tham gia đấu giá.

Khách hàng trả giá thửa đất số C6 lên đến hơn 30 tỷ đồng một m2. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo huyện cho biết tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công. Huyện Sóc Sơn sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức bán lại 30 thửa đất có dấu hiệu bị "phá" hôm 29/11.

Cuối năm ngoái, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp trả nhầm lên đến mức 4,28 tỷ đồng cho một m2 đất đấu giá tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Mức giá này gấp 142 khởi điểm. Tuy nhiên, ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức và chính quyền về việc ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng. Ông cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.

Giai đoạn tháng 8,9 năm nay, một số phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội thu hút hàng trăm khách hàng tham dự với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký. Mức giá trúng cao nhất cũng liên tiếp thiết lập kỷ lục như ở Hoài Đức hơn 133 triệu đồng một m2, Thanh Oai hơn 100 triệu đồng một m2. Trong đó, phiên đấu giá tại Thanh Oai ghi nhận khoảng 80% khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền.

Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. "Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản", Thủ tướng cho biết.

Sau đó, các Bộ, ngành, TP Hà Nội cũng liên tiếp có thêm các chỉ đạo, đề xuất để ngăn chặn tình trạng này. Một số huyện tại Hà Nội cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.

Vị trí khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 11/2024. Đồ họa: Gia Linh

Hà Nội cũng đã có yêu cầu hạn chế đấu giá đất cho cá nhân tự xây nhà, ưu tiên giao tổ chức làm dự án để tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, thành phố đề nghị UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó, Hà Nội giao công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất.

Từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều huyện ngoại thành sau quá trình rà soát đã bắt đầu tổ chức lại các phiên đấu giá. Hoạt động này cũng giảm nhiệt đáng kể như ở Hoài Đức, các phiên đấu giá gần đây lượng người tham gia giảm 3-4 lần so với hai tháng trước.

Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Theo VnExpress

https://vnexpress.net/bo-dau-gia-sau-khi-tra-30-ty-dong-mot-m2-dat-ngoai-thanh-ha-noi-4822106.html


Chia sẻ trên

03/12/2024 | Tác giả: Hữu Huy

Vé tàu hết sớm, vé máy bay khan hiếm lúc cao điểm

Vé tàu Tết 2025 đã bán hết sớm do mở bán trước một tháng, trong khi giá vé máy bay cũng tăng cao. Các bến xe TP.HCM đã chuẩn bị phương án tăng cường xe khách để đáp ứng nhu cầu đi lại, dự báo sẽ tăng 20% so với năm ngoái. Sở GTVT TP.HCM cam kết không thiếu xe và các tuyến cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển.

03/12/2024 | Tác giả: Diệu Thanh

Vingroup sắp xây nhà máy sản xuất ô tô điện 7.300 tỷ đồng ở Hà Tĩnh

VinFast đang triển khai kế hoạch khởi công nhà máy ô tô điện tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 12/2024, với tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng và công suất 400.000 xe/năm. Nhà máy sẽ sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5. Đây là một phần trong chiến lược của VinFast để đáp ứng nhu cầu thị trường xe điện giá rẻ và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất.

02/12/2024 | Tác giả: Minh Đức

Bị bão lũ lịch sử tàn phá, đào, quất cảnh Hà Nội có kịp đón Tết Nguyên đán?

Sau siêu bão Yagi, lũ lụt đã cày nát nhiều vườn đào Nhật Tân, vườn quất Tứ Liên nổi tiếng Hà Nội, giờ đây người trồng vất vả dồn sức để chuẩn bị cho vụ Tết.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...