Bức tranh kinh tế Hải Phòng, quê hương Phó Thủ tướng Lê Văn Thành
21/11/2023 | Tác giả: Mộc An Lượt xem: 313
Hải Phòng là địa danh có ý nghĩa đặc biệt với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. 10 năm qua, kinh tế thành phố này ra sao?
Theo tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từ trần hồi 20h20 ngày 22/8, tại nhà riêng ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Tại Hải Phòng, ông Lê Văn Thành được cho là có nhiều đóng góp cho thành tựu kinh tế.
Cuối năm 2010, ông giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trong 4 năm. Sau đó, ông trở thành Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.
Giai đoạn tiếp theo, từ tháng 7/2016 đến tháng 4/2021, ông là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào tháng 1/2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong những năm qua, Hải Phòng cho thấy có bước chuyển rõ rệt về cơ cấu kinh tế cũng như đóng góp vào thành tích chung của cả nước.
Năm 2020 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn do đại dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. GDP Việt Nam tăng trưởng 2,91% so với năm 2019.
Dù gặp nhiều thách thức chung nhưng số liệu từ Cục thống kê TP Hải Phòng cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn đạt mức 11,22%.
TĂNG TRƯỞNG GRDP HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2012-2021
Sang đến năm 2021, nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch. GRDP của Hải Phòng theo giá so sánh năm 2021 ước đạt 213.795 tỷ đồng, tăng 12,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao, dẫn đầu cả nước. Tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế ghi nhận mức 2,58%.
Chi tiết hơn, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố này có mức tăng trưởng 1,49%. Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 19,04%. Trong đó ngành công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực với mức tăng trưởng 20,75%, ngành xây dựng tăng 7,43%. Khu vực dịch vụ ước tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu từ năm 2016 đến 2021 cho thấy Hải Phòng là một trong những địa phương top đầu của kinh tế cả nước với mức tăng trưởng GRDP hàng năm đều trên 14%. Số liệu thống kê cho thấy năm 2012, tăng trưởng GRDP của địa phương này ở mức 8,12%. Trong đó tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp là 4,59%, khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ ở mức 5,75%, khu vực dịch vụ là 10,47%.
Báo cáo kinh tế xã hội của Hải Phòng năm 2012 mới chỉ nêu tên một số dự án sản xuất công nghiệp lớn như nhà máy xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ, nhà máy DAP, nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng nhưng cũng chưa ổn định sản xuất.
Đến năm 2015, Hải Phòng tổ chức khánh thành Tổ hợp công nghệ của Tập đoàn LG Electronics giai đoạn I và nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp.
TĂNG TRƯỞNG KHU VỰC CÔNG NGHIỆP - XÂY DỰNG CỦA HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2012-2021
Từ năm 2016, Hải Phòng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thành phố cũng ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Sang đến năm 2017, tăng trưởng GRDP địa phương đạt 14,01%, cao nhất từ năm 1994 và cao nhất cả nước. Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu đổ bộ vào Hải Phòng như Sungroup, Vingroup, Aeon... Đặc biệt, 2017 cũng là năm khởi công dự án VinFast của Tập đoàn Vingroup tại địa phương này. Ngoài ra còn công ty TNHH LG Display Hải Phòng đầu tư với tổng số vốn là 1,59 tỷ USD.
Trong nhiều năm, Hải Phòng tiếp tục trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 5,75% lên tới 25,97% vào năm 2018. Năm ngoái, khu vực này tăng trưởng 19,04%.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/buc-tranh-kinh-te-hai-phong-que-huong-pho-thu-tuong-le-van-thanh-20230823163929863.htm