“Bước đệm” cho thoát nghèo bền vững
19/07/2024 | Tác giả: Thanh Duyên Lượt xem: 116
Mười năm sau khi Chỉ thị số 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được thực hiện, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Bình Thuận đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế.
Mở ra cánh cửa hy vọng
Những ngày này, anh Võ Trần Tiến Quân ở thôn 2, xã Phong Phú (Tuy Phong) đang tất bật với công việc tại cửa hàng nhôm kính của mình. Đầu tháng 4/2024, anh đã vay được vốn vay ưu đãi để mua máy cắt nhôm hiện đại, giúp anh nhận nhiều công trình lớn hơn. Nhớ lại những ngày khó khăn, anh chia sẻ: “Nghề nhôm kính này phải bắt kịp xu thế hiện đại. Cửa hàng mở hơn 10 năm mà vẫn nhỏ lẻ, rất khó để dành dụm đủ tiền mua máy móc hiện đại. Nhờ Hội Nông dân xã và NHCSXH, tôi có thể vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, giúp phát triển kinh tế gia đình hiệu quả hơn”.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngọc Lin ở khu phố 3, phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết cũng đầy cảm động. Trước đây, cuộc sống gia đình chị phụ thuộc vào nghề biển, nhưng tai họa ập đến khi chồng chị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Một mình chị phải gồng gánh cả gia đình, nuôi ba con nhỏ trong cảnh túng quẫn. Sau khi chồng mất, chị phải lo toan mọi thứ, từ việc làm thuê đến chăm sóc con cái. Đúng lúc khó khăn nhất, chị được Hội Phụ nữ phường và khu phố xét duyệt vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Khoản vay này như chiếc phao cứu sinh, giúp chị chuyển đổi nghề sang bán đồ ăn sáng và cơm trưa. Nhờ sự kiên trì và chăm chỉ, công việc của chị dần ổn định, cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều. Chị Lin xúc động chia sẻ: “Dù cực khổ nhưng niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của tôi là các con rất ngoan và hiếu học. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, tôi có thể vượt khó vươn lên, các con mới tiếp tục được đến trường.”
Những câu chuyện như của anh Quân và chị Lin là minh chứng cho hiệu quả của chính sách tín dụng xã hội tại Bình Thuận, mang lại niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Trong ánh mắt của họ, chúng tôi thấy được niềm hạnh phúc, sự biết ơn và nghị lực vươn lên. Còn rất nhiều những câu chuyện ấm áp như thế ở khắp vùng nông thôn của tỉnh, đặc biệt từ khi triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương, nguồn vốn ưu đãi càng hiệu quả hơn.
Đậm thêm ý nghĩa nhân văn
Trong giai đoạn 2014-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW, nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp chính quyền đã bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời và hiệu quả.
Đến ngày 30/6/2024, 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.353 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác đạt 4.858,845 triệu đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh. Nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 364,682 triệu đồng, chiếm 7,48% tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh, tăng 16,7 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngày 5/7/2024, tỉnh tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác năm 2024 là 110 tỷ đồng để cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 111/2024/QH15 và Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh đã chủ động xây dựng Chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện hoàn thành tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội và công tác cho vay ủy thác. Hiện trên địa bàn tỉnh có 478 hội cấp xã nhận ủy thác, giúp những người dân được thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng và đảm bảo an toàn vốn. Trong giai đoạn 2014-2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 292.963 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay đạt 8.783 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 4.877 tỷ đồng, tăng 3.194 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 4.867 tỷ đồng, tăng 3.190 tỷ đồng so với năm 2014.
Bà Võ Thị Minh Thảo - Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: “Trong 10 năm qua, năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh ngày càng được nâng cao. Nguồn vốn tín dụng xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, đã giúp gần 30.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 36.000 lao động, hỗ trợ gần 19.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây mới và cải tạo 263.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng gần 700 ngôi nhà cho hộ nghèo...”
Rõ ràng, hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ được tính bằng những giá trị kinh tế mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, củng cố lòng tin của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 30.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (12.000 hộ thoát nghèo và 18.000 hộ thoát cận nghèo); tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm nhanh, từ 8,79% cuối năm 2014 xuống còn 5,58% vào đầu năm 2024 (tỉ lệ hộ nghèo còn 1,96% và tỉ lệ hộ cận nghèo còn 3,62% so với tổng số hộ dân).
Theo Báo Bình Thuận
https://baobinhthuan.com.vn/buoc-dem-cho-thoat-ngheo-ben-vung-120373.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn