Cẩn trọng với các “thầy lang online”

Cẩn trọng với các “thầy lang online”

09/09/2022 | Tác giả: Hà Thu Lượt xem: 188


Thuốc Đông y được gắn mác “gia truyền” đang chào bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube... Theo cảnh báo của ngành y tế, đã có nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc nặng do dùng thuốc Đông y tùy tiện. Do đó người tiêu dùng cần cảnh giác về thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để tránh "tiền mất tật mang".

Cẩn trọng với các “thầy lang online”
Ảnh chụp màn hình minh họa về thuốc Đông y

Muôn kiểu “thầy lang online”

Hiện nay, tình trạng bán thuốc Nam, thuốc Đông y "gia truyền" đang tràn lan trên mạng xã hội. Cụ thể, trên YouTube đang xuất hiện rất nhiều quảng cáo với những lời “rao” hấp dẫn, cùng những lời cam kết dùng thuốc 100% sẽ khỏi. 

Nhắm vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, cùng với cụm từ thuốc “gia truyền”, các “thầy lang online” đã phần nào thu hút được lòng tin của người bệnh.

Với hàng loạt lời tuyên truyền trên mạng xã hội về những mặt hàng thuốc Đông y, bài thuốc gia truyền chữa được nhiều bệnh như: Dạ dày, viêm đại tràng, gan, thận, ung thư, thoái hóa đốt sống, đau nhức xương khớp, viêm xoang, viêm da cơ địa, vô sinh... 

Thậm chí để chiếm được lòng tin của bệnh nhân, cơ sở bán thuốc nào cũng quảng cáo bài thuốc Đông y “gia truyền” của mình bằng những hình ảnh người cụ thể, có tên, địa chỉ, số điện thoại, tin nhắn gửi lời cảm ơn của khách hàng khi đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng sự thật là bao nhiêu phần trăm thì … chẳng có ai kiểm chứng.

Đáng lưu ý, các “thầy lang online” hành nghề mà không cần giấy phép đăng ký kinh doanh, không cần qua trường lớp đào tạo hay văn bằng, chứng chỉ về y, dược học cổ truyền, chỉ gắn cái mác “gia truyền” là họ vô tư mời chào mua thuốc.

Để làm rõ việc bán thuốc “gia truyền” trên mạng xã hội, chỉ cần vào Google tìm kiếm đơn giản là có thể tìm được các trang như: Nhà thuốc Đông y gia truyền Đ.Đ.H đông y gia truyền D.H., đông y gia truyền họ Nguyễn... Theo lời giới thiệu của hầu hết các chủ cửa hàng online này, thì thuốc Đông y “gia truyền” tại đây đều là “thần dược”.

Hiện có rất nhiều trang Facebook giới thiệu về công dụng của thuốc Đông y "gia truyền". Nổi cộm nhất trong thời gian qua là tài khoản có tên L.H trên mạng xã hội facebook, địa chỉ thường trú tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), quảng cáo đã kinh doanh thuốc Đông y “gia truyền” hơn 1 năm và đang là đại lý phân phối cấp 2 của hai hãng thuốc: Đông y gia truyền Dung Hà và Đông y Thanh Mộc Hương, có trụ sở tại Hà Nội.

Liên hệ với tài khoản L.H và ngỏ ý muốn mua một số loại thuốc về đau răng, đau nhức xương khớp và viêm da cơ địa, người bán hàng tư vấn cho chúng tôi toàn những lời “có cánh” về loại thuốc Đông y mình đang bán.

Qua trò chuyện, L.H. cho biết đang là một giáo viên dạy toán tại một trường THCS trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và chưa từng được đào tạo qua ngành y, dược.

Đáng lưu ý, cơ sở này còn có chính sách “lôi kéo” người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, với chính sách mua từ 5 sản phẩm bất kỳ trở lên thì sẽ được tính giá sỉ (giá bán buôn) và mua càng nhiều, chiết khấu càng cao. 

Theo tìm hiểu, nhiều tài khoản trên các trang Facebook, Zalo... cũng mở trang kinh doanh online thuốc Đông y tương tự như tài khoản L.H. Cách thức hoạt động của các trang này như một dạng kinh doanh đa cấp, càng tuyển được nhiều người bán thì lợi nhuận được hưởng càng cao. 

Trong quá trình bán, nếu có vấn đề gì thì người bán lẻ làm việc với cấp trên là chi nhánh, chi nhánh làm việc với đại lý cấp 2, đại lý cấp 2 làm việc với đại lý cấp 1... Ai cũng có thể bán thuốc, không phân biệt trình độ học vấn, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Số vốn bỏ ra chỉ cần vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng là có thể mở một cửa hàng thuốc Đông y online.

Với cách hoạt động của các “thầy lang online” nêu trên, người tiêu dùng rất khó phân biệt sản phẩm thuốc thật, thuốc giả. Bởi thuốc thường được đóng gói một cách kỹ lưỡng gần giống với các thuốc chính hãng. Thậm chí, có nhiều loại thuốc Nam, thuốc Đông y phải đưa đến các cơ sở kiểm nghiệm mới phân biệt được thật - giả. 

Nhiều quảng cáo rao bán thuốc Đông y "gia truyền" trên mạng

Mang họa với thuốc “gia truyền”

Thời gian qua đã có những vụ việc liên quan đến việc dùng thuốc Nam, thuốc Đông y "gia truyền" chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Thậm chí người bệnh bị nhiễm độc gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) cho biết, thời gian gần đây đơn vị đã tiếp nhận nhiều ca nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc Đông y kéo dài. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan, nhưng sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên.

Điển hình trường hợp nữ bệnh nhân N.T.H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Dù bệnh nhân này đã được điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2019, nhưng tình trạng sức khỏe của chị H. chuyển biến xấu dần.

Nghe lời khuyên của hàng xóm rằng "bị bệnh viêm cột sống dính khớp nên uống thuốc Nam sẽ tốt hơn thuốc Tây", chị H. đã chuyển sang uống thuốc Nam. 

Sau bốn tháng dùng thuốc Nam, bên cạnh bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt... Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng, chị H. đến khám tầm soát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được các bác sĩ cho biết chị bị loét đường ruột rất nặng và bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc Nam.

Bác sĩ yêu cầu chị H. ngưng uống thuốc Nam để cắt đứt nguồn độc. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng đã làm mất protein qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt hai năm, với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.

Theo TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM: Bệnh viện này đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm độc do uống thuốc Nam. Bệnh nhân thường đến bệnh viện với biểu hiện nhiễm độc của đường tiêu hóa, suy thận cấp, toan đông máu... Trong những loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc này có thể được trộn rất nhiều chất "độc, lạ" mà bệnh nhân có thể không biết.

Không ít bệnh nhân mắc bệnh khớp kể rằng, khi mới uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc này, họ thấy trong người dễ chịu, triệu chứng bệnh giảm đi rõ rệt mà không biết thuốc này đã trộn corticoid, uống lâu dài sẽ không tốt cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó có những loại thuốc đông y còn trộn những kim loại nặng như chì, đồng, kẽm, asen... Khi uống những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như tim, thận, mắt... 

Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, có nguy cơ dẫn đến tử vong nhanh.

Để tránh trở thành nạn nhân của các “thầy lang online” cũng như những bài thuốc Đông y “gia truyền” không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng không nên tự ý mua thuốc một cách tùy tiện. Nếu mua thuốc – kể cả thuốc đông y, phải có chỉ định của bác sỹ, người có chuyên môn. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng xã hội.

Người dân muốn chữa bệnh theo phương pháp y dược cổ truyền, phải tìm đến các cơ sở điều trị có uy tín, được cấp giấy phép, các thầy thuốc Đông y phải có chứng chỉ hành nghề để được chẩn đoán, kê đơn, điều trị đúng bệnh. Kiên quyết không nên nghe theo những lời truyền miệng, lời quảng cáo của các “thầy lang online” dán mác thuốc Đông y "gia truyền" để tránh "tiền mất, tật mang".

Theo báo điện tử Kythuatchonghanggia

https://kythuatchonghanggia.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/can-trong-voi-cac-thay-lang-online-12136


Chia sẻ trên

08/09/2022 | Tác giả:

iPhone 14 ra mắt: Giá không đổi, thêm bản Plus

iPhone 14 Pro và Pro Max đổi thiết kế từ màn hình tai thỏ sang dạng viên thuốc, trong khi bản mini được thay bằng 14 Plus với kích cỡ 6,7 inch.

12/09/2022 | Tác giả: Minh Nhật

Tê chân, đi lại ê buốt có thể là triệu chứng của khối u thần kinh

Cách đây khoảng 10 năm, người bệnh phát hiện ở khoeo chân phải có một khối cộm dưới da kích thước chỉ bằng đầu ngón tay.

08/09/2022 | Tác giả: Nam Giang

Dòng bánh Trung thu có thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa Trung thu năm 2022, mặt hàng bánh Trung thu đến từ những thương hiệu lớn như: Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica… được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...