Cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm các công trình thủy lợi
24/07/2024 | Tác giả: Bình Nguyên Lượt xem: 89
Ngày 23-7, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Nhiều công trình thủy lợi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất
Đến nay, toàn tỉnh có 139 công trình thủy lợi gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh tưới tiêu…Trong đó, tổng diện tích đất được tưới từ các công trình thủy lợi là gần 24,6 ngàn hécta, đạt hơn 11,8% so với tổng diện tích đất nông nghiệp.
Về đầu tư cho công trình thủy lợi, giai đoạn 2016-2023, toàn tỉnh xây dựng mới 16 công trình; nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa 17 công trình.
Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn phức tạp, công tác xử lý còn hạn chế. Nguyên nhân do đa số các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, nhiều lần bàn giao cho các đơn vị quản lý khai thác nên hồ sơ pháp lý đất đai, hồ sơ kỹ thuật đã bị mất, dẫn đến khó khăn trong đánh giá tài sản và báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; khó khăn trong xử lý khi xảy ra các vụ vi phạm trong bảo vệ công trình thủy lợi. Đến nay, có 121/139 công trình chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất để quản lý, bảo vệ.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 31 dự án thủy lợi với tổng kinh phí gần 9,2 ngàn tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, nhiều dự án bị kéo dài so với kế hoạch đề ra do các nguyên nhân như: vướng về hồ sơ, thủ tục, nhất là về quy hoạch sử dụng đất; về giải phóng mặt bằng; một số dự án phải điều chỉnh so với ban đầu; một số dự án có vốn đầu tư lớn không đủ nguồn kinh phí để thực hiện…
Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước
Về những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý các công trình thủy lợi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị, các đơn vị quản lý, khải thác công trình thủy lợi cấp tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương trong rà soát, làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho các công trình thủy lợi để có cơ sở thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước với các công trình. Địa phương cũng quan tâm hơn trong việc đầu tư kinh phí, con người để khai thác các công trình hiện hữu hiệu quả hơn.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, Tỉnh ủy đã có kết luận 755, ngày 26-6-2024, giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh bổ sung các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước.
Trong đó, cần tính toán bổ sung nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp vào mùa khô, đặc biệt là nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Khảo sát thêm các vị trí để phát triển các hồ chứa nước, hệ thống đường dẫn, hệ thống xử lý nước cho các công trình cấp nước. Nghiên cứu xác lập hồ sơ pháp lý hiện trạng các hồ chứa nước hiện nay.
Chấn chỉnh những thiếu sót liên quan đến lập, thẩm định hồ sơ thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, tránh phát sinh các vấn đề pháp lý gây kéo dài dự án. Có giải pháp cải tạo, sửa chữa các dự án hồ chứa đã xuống cấp, bổ sung kế hoạch khai thác lợi thế, tiềm năng, cảnh quan xung quanh hồ.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan rà soát, đánh giá công tác phối hợp những đơn vị quản lý chuyên ngành của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi.
Đặc biệt, cần xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp các công trình thủy lợi. Dựa vào thực trạng hiện có để có quan điểm xử lý chung, thống nhất giữa các sở, ngành liên quan trong giải quyết, xử lý, tránh tình trạng kéo dài, tồn đọng dẫn đến tranh chấp, đồng thời vẫn đảm bảo cho an toàn hồ đập.
Theo Báo Đồng Nai
https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202407/can-xu-ly-dut-diem-tinh-trang-lan-chiem-cac-cong-trinh-thuy-loi-d7a34b1/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn