Cây thanh long trên đồng đất Đại Tự
04/06/2024 | Tác giả: Ngọc Lan Lượt xem: 187
Những năm qua, chính quyền xã Đại Tự (Yên Lạc) triển khai nhiều mô hình áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các giống cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích canh tác, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, trong đó, cây thanh long ruột đỏ là một điển hình mang lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Tam Kỳ 56 là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Đại Tự tiên phong chuyển đổi từ trồng rau màu thuần túy sang trồng các giống cây có giá trị thu nhập cao hơn trên đồng ruộng như dưa lê, dưa hấu và đặc biệt là thanh long ruột đỏ với quy mô 4.000 m2.
Để trồng 260 trụ thanh long ruột đỏ, gia đình chị Thơm đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo phương thức sản xuất hiện đại và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng VietGAP. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, cây thanh long hợp thổ nhưỡng nên bói quả nhanh. Vụ đầu tiên, gia đình chị thu nhập từ cây thanh long 30 triệu đồng.
Chị Thơm cho biết: “Mấy năm trước, gia đình trồng lúa và rau màu theo vụ nhưng thu nhập thấp, kinh tế không cải thiện. Gia đình đã chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ, dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất và thu nhập cao hơn các loại cây thông thường”.
Vụ thu hoạch năm nay, dự kiến giá bán thanh long ruột đỏ tại vườn khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg. Với sản lượng dự kiến 4 tấn quả, thu hoạch từ tháng 5 - 11, gia đình chị Thơm sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Cách đây 3 năm, nhận thấy thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ cao hơn hẳn các giống cây thông thường, anh Ngô Văn Thịnh ở thôn Tam Kỳ 56 đầu tư trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Quá trình trồng, anh nhận thấy, tuy vốn đầu tư ban đầu nhiều hơn các loại cây trồng khác nhưng hiệu quả kinh tế đem lại vượt trội hơn hẳn.
Theo anh Thịnh, thanh long ruột đỏ là giống cây ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, phù hợp với nhiều loại đất, lại là cây trồng lâu năm. Chỉ mất từ 12 - 18 tháng chăm bón, các gốc thanh long đã cho thu hoạch, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Loại quả này hiện được thương lái tới tận vườn thu mua nên không lo về đầu ra và giá cả.
Sau thời gian trồng và theo dõi quá trình sinh trưởng, gia đình anh Thịnh dự kiến thuê thêm đất nông nghiệp của các hộ dân xung quanh để mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 4.000 m2.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ loại cây này đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi diện tích vườn tạp, đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ, mở ra hướng đi mới và đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tự Nguyễn Đình Viên cho biết: Sau khi địa phương hoàn thành chương trình dồn thửa đổi ruộng với hơn 300 ha, cơ cấu cây trồng trên địa bàn chuyển dịch theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; người dân ngày càng đưa nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào đồng đất và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt, thiết lập mã số truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm trên địa bàn như cà chua ghép, dưa lê, dưa hấu, các loại rau ăn lá…
Riêng đối với cây thanh long ruột đỏ, ở một số thôn có diện tích đất nông nghiệp phù hợp, địa phương khuyến khích và tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây này dần trở thành sản phẩm nông nghiệp giúp phát triển kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn.
Năm 2024, xã Đại Tự phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH, tập trung vào một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 67 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,51%, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 85,5%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt 92%...
Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện gieo trồng đúng khung thời vụ; đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Phối hợp với các hội, đoàn thể, cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân cũng như áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng và chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Theo Báo Vĩnh Phúc
https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/111807/Cay-thanh-long-tren-dong-dat-Dai-Tu
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn