Chanh leo sắp sang Mỹ, vải thiều "gõ cửa" Hàn Quốc
09/12/2024 | Tác giả: Lê Thúy Lượt xem: 17
Năm 2025, Việt Nam dự kiến có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong khi vải thiều đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc
Chiều 6-12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc".
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11-2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như: Sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài. Với kết quả này, ngành rau quả Việt Nam tự tin có thể lập kỷ lục 7,2 tỉ USD trong cả năm 2024...
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết tính đến thời điểm hiện tại, 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Úc, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi và chanh.
Đặc biệt, ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV), thông tin tin vui cho những người sản xuất, dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Mỹ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục BVTV gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, gây rủi ro cao nếu xảy ra thay đổi về chính sách nhập khẩu.
Rau quả vẫn tiêu thụ dạng tươi
Bên cạnh đó, PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ.
Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới trên 20%.
Để xuất khẩu bền vững, ông Trần Văn Chiến cho biết các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến đều phải được tuân thủ chặt chẽ.
Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ cấm các loại sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ...
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/chanh-leo-sap-sang-my-vai-thieu-go-cua-han-quoc-196241206163245976.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn