“Chắp cánh” đưa thương hiệu dừa sáp vươn xa

“Chắp cánh” đưa thương hiệu dừa sáp vươn xa

13/06/2024 | Tác giả: HỮU HUỆ Lượt xem: 62


Từ năm 2021, dừa sáp trái và các sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp đã được những người con quê hương Cầu Kè “chắp cánh” đưa nhãn hiệu dừa sáp vươn xa đến với khách hàng nước ngoài qua các hoạt động xúc tiến thương mại; xuất khẩu và ủy thác cho doanh nghiệp xuất khẩu...

“Chắp cánh” đưa thương hiệu dừa sáp vươn xa

Trái dừa sáp - một loại trái cây đặc sản của vùng đất huyện Cầu Kè được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến qua các lần đến thăm vùng đất hữu tình, sông nước thơ mộng của huyện Cầu Kè và được thưởng thức đặc sản dừa sáp. Từ năm 2021, dừa sáp trái và các sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp đã được những người con quê hương Cầu Kè “chắp cánh” đưa nhãn hiệu dừa sáp vươn xa đến với khách hàng nước ngoài qua các hoạt động xúc tiến thương mại; xuất khẩu và ủy thác cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Người lao động thực hiện công đoạn gọt vỏ, kiểm tra đánh giá độ sáp trên dừa sáp tại cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng trước khi phân loại, đóng thùng cung ứng cho doanh nghiệp tỉnh Bến Tre. 

Có thể nói sản phẩm dừa sáp trái đầu tiên của huyện Cầu Kè có mặt ở các siêu thị nước ngoài đã được bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng (Khóm 2, thị trấn Cầu Kè) thực hiện liên kết cung ứng qua trung gian cho 02 doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre và Bình Dương để xuất khẩu với số lượng hàng ngàn trái dừa sáp/năm. Qua đó, đã đưa trái dừa sáp đặc sản của vùng đất Cầu Kè vươn xa đến với khách hàng ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Cẩm cho biết: năm 2022 là năm đầu tiên cơ sở ký kết cung ứng dừa sáp trái (loại I, sáp đặc, trọng lượng từ 1,1kg trở lên (đã gọt vỏ) để xuất khẩu. Năm 2023, cơ sở cung ứng với số lượng khoảng 6.000 trái dừa sáp và 05 tháng đầu năm 2024 được 5.000 trái, dự kiến trong năm 2024 sản lượng đạt trên 10.000 trái. Đối với dừa sáp trái cung ứng qua trung gian cho doanh nghiệp để xuất khẩu, có giá thành cao hơn khoảng 20% so với thị trường tại địa phương.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Cẩm, ngoài cung ứng dừa sáp trái cho doanh nghiệp xuất khẩu; hàng tháng, cơ sở thu mua dừa sáp trái trên địa bàn huyện Cầu Kè từ 25.000 - 30.000 trái. Trong đó, có 20% sử dụng chế biến các loại sản phẩm mứt, kẹo dừa sáp và bán hàng online; số dừa sáp trái còn lại (khoảng 80%) cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở ở các tỉnh Bến Tre, Bình Dương…

Ngày nay, giá trị kinh tế từ đặc sản dừa sáp Cầu Kè không chỉ đơn thuần là trái dừa sáp; nó còn kết hợp và lan tỏa qua các sản phẩm chế biến sâu từ dừa sáp trái… tạo ra những hương vị tự nhiên, mang đậm nét của vùng quê được hòa quyện với hương vị đặc trưng dừa sáp.

Bên cạnh sản phẩm dừa sáp trái, các sản phẩm chế biến từ dừa sáp trái được Công ty TNHH chế biến Dừa sáp Cầu Kè (xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè) tập trung vào chế biến sâu với nhiều mặt hàng sản phẩm từ dừa sáp mang thương hiệu Vicosap. Trong đó, có 09 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, 01 sản phẩm (Dừa sáp sợi) được OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình HACCP, ISO 9001:2015, ISO 22000:2018 và chứng nhận FDA, HALAL.

Tháng 5/2023, Vicosap được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh”.

Sản phẩm dừa sáp của Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè cho biết: năm 2021, lần đầu tiên sản phẩm chế biến từ dừa sáp Vicosap xâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, Vicosap còn xuất khẩu sang các nước như: Anh, Mỹ, Đài Loan, HongKong, Canada với các sản phẩm như dừa sáp trái hút chân không, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy khô giòn tan, kẹo chuối gân, kẹo dừa thảo mộc sương sáo và kẹo dừa thảo mộc chanh muối Bảo Châu.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: những năm qua, khi sản phẩm trái dừa sáp Hòa Tân được công nhận OCOP 4 sao và xây dựng được vùng sản xuất dừa sáp theo tiêu chuẩn VietGAP (trên 25ha) đã góp phần rất lớn trong quảng bá, đưa đặc sản dừa sáp vươn xa. Hàng năm, hợp tác xã cung ứng khoảng 5.000 trái dừa sáp cho thị trường trong nước, tập trung nhiều ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Riêng năm 2022, hợp tác xã ký kết cung ứng cho 02 doanh nghiệp ở Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh (1.000 trái dừa sáp) để xuất khẩu.

Theo Báo Trà Vinh

https://www.baotravinh.vn/kinh-te/chap-canh-dua-thuong-hieu-dua-sap-vuon-xa-37817.html


Chia sẻ trên

13/06/2024 | Tác giả: Thanh Hòa

Hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Tỉnh Trà Vinh đang tích cực vận động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bởi đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và giúp thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

13/06/2024 | Tác giả: THANH NHÃ

Đôn Châu tập trung nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2023, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải tiếp tục tập trung các nguồn lực nâng cao các tiêu chí xã NTM và hướng tối mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao.

13/06/2024 | Tác giả: SÔNG TRĂNG

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm (TP) ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Để bảo vệ sức khỏe người dân, Vĩnh Long đang đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng TP không an toàn và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...