Chất cấm nguy hiểm trong sản phẩm giảm cân, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
20/04/2024 | Tác giả: LỆ HÀ Lượt xem: 177
Qua giám sát, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục phát hiện các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giảm cân chứa Sibutramine trên thị trường, trong khi đây là loại chất cấm do gây các tác động xấu tới tim mạch.
Hiểm họa với sức khỏe người dùng
Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine. Bệnh nhân P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.
Theo bệnh nhân H, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn. Ngày 28.3, chị H xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H được theo dõi do ngộ độc. Xét nghiệm loại “thuốc” này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị. Kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia, sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp gặp sự cố khi sử dụng sản phẩm chứa chất cấm Sibutramine.
Cục An toàn thực phẩm cũng liên tiếp đưa cảnh báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm Sibutramine. Nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như viên giảm cân Giáng ngọc Eva, sản phẩm Max Health Go Coffee, cà phê Insert Coffee to begin, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm Sibutramine.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết: Sibutramine là chất cấm sử dụng trong điều chế thuốc và được kiểm soát nghiêm ngặt từ Bộ Y tế lưu hành trên thị trường và bị phát hiện. Các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin một số tổ chức, cá nhân đã cố tình vi phạm những quy định về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không thực hiện việc công bố hợp quy sản phẩm…
Cấm lưu hành nhưng không triệt được hẳn
Sibutramine là loại chất cấm, gây các tác động xấu tới tim mạch, nhưng lại hay bị lạm dụng trong các sản phẩm giảm cân do có tác dụng gây giảm cảm giác thèm ăn. Đây lại là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch.
Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Ngày 14.4.2011, Cục Quản lý Dược đã có công văn đình chỉ lưu hành trên toàn quốc các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine và thu hồi toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine, do có tác dụng không mong muốn. Cục đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.
Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Thông tư số 10/2021/TT-BYT). "Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm khi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc này đã được cơ quan chức năng phát hiện khi kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm" - TS Nguyễn Thanh Phong bức xúc.
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, mặc dù đã có quy định tiền kiểm và hậu kiểm đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng thời gian qua vẫn phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm về chất lượng sản phẩm. Tất cả các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đều đang thực hiện tiền kiểm và hậu kiểm. Lúc đăng ký chất lượng với cơ quan Nhà nước thì đó là quá trình tiền kiểm. Lúc đó có thể không có chất cấm nhưng trong quá trình sản xuất do nguyên liệu hay cố tình cho vào thì sẽ bị xử lý nghiêm chuyển cơ quan Công an để điều tra...
Do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành; tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...
Theo Lao động
https://laodong.vn/suc-khoe/chat-cam-nguy-hiem-trong-san-pham-giam-can-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-1329594.ldo
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn