Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

10/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Oanh Lượt xem: 116


Theo Cục Thống kê tỉnh, quý I năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp có mức tăng khá với mức tăng 22,88% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng mạnh ấn tượng nhất, dao động từ 27% đến 64%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

Theo đánh giá của các ngành chức năng, mức tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao trong quý I năm 2024 là do nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng điện tử, thiết bị điện, may mặc, điện gia dụng, hệ thống bán dẫn… đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa quy mô lớn đi các thị trường châu Âu, châu Á. Đặc biệt, các doanh nghiệp gia công, sản xuất linh kiện điện thoại cho Tập đoàn Samsung; doanh nghiệp sản xuất các loại dây dẫn điện ô tô, xe máy cho các hãng Honda, Toyota, Hyundai, Kia, Mazda… tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi với số đơn hàng mới không ngừng gia tăng. Điều này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động.

Cụ thể, báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong quý I năm 2024, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như: Sản xuất trang phục tăng 27,82%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 47,09%; sản xuất kim loại tăng 88,09%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 43,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 63,3%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 64,45%...

Đơn cử như Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính như máy tính xách tay, máy tính để bàn, màn hình, bàn phím, webcam… tại khu công nghiệp Đồng Văn III (Duy Tiên), với sự khởi sắc và gia tăng lượng đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Trung Quốc, tình hình tiêu thụ hàng hóa của công ty trong những tháng đầu năm 2024 có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước.

Ông Tsai, Shang – Jan, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về mọi mặt của tỉnh Hà Nam, nhất là trong việc giới thiệu tuyển dụng lao động, tình hình kinh doanh của công ty trong thời gian qua được duy trì ổn định và có sự khởi sắc. Với kết quả hoạt động như hiện nay, khi giai đoạn 2 của nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý IV năm 2024, Wistron Infocomm Việt Nam sẽ đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chúng tôi cần thêm khoảng 700 lao động, nâng tổng số lao động lên khoảng 3.500 người.

Công nhân Công ty TNHH Đồng Kỹ thuật Korea Việt Nam ở KCN Đồng Văn II kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Trần Thoan

Những tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn của tỉnh đã có sự phục hồi và đang trở lại đà tăng trưởng khi số lượng, quy mô các đơn hàng có sự gia tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa những tháng đầu năm, đặc biệt là nhu cầu mua sắm cho dịp lễ, Tết tăng cao, trong khi tồn kho tại thị trường lớn đang giảm dần cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Ước tính quý I năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 17,16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng là 17,86%.

Trao đổi về nội dung này, ông Vũ Đại Dương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho hay: Trong quý I năm 2024, hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có mức tăng khá như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,35%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,15%; sản xuất thiết bị điện tăng 40,18%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,72%... Cụ thể, nhiều sản phẩm có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như: Dây điện các loại; linh kiện, thiết bị điện tử; bia; quần áo may sẵn; đồ chơi trẻ em; thịt chế biến. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng mạnh về chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả điều tra, đánh giá của các ngành chức năng về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2024 cũng cho thấy, có gần 22% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý I năm 2024 tốt hơn so với quý IV năm 2023; trên 38,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định; trên 39,5% doanh nghiệp cho rằng, tình hình hoạt động khó khăn hơn quý IV/2023. Về sản lượng hàng hóa sản xuất, gần 22% doanh nghiệp đánh giá có sự tăng trưởng. Có gần 25% số doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng khá. Dự báo tình hình hoạt động trong quý II so với quý I năm 2024, có trên 59,6% doanh nghiệp nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tốt lên và khối lượng sản xuất quý II sẽ cao hơn quý I. Có gần 59% số doanh nghiệp dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới và khoảng 59,5% doanh nghiệp đánh giá tăng đơn hàng xuất khẩu trong quý II/2024. Trong dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh quý II/2024, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tốt lên gồm: Sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và thiết bị quang học; sản xuất trang phục…

Chiếm tỷ lệ trên 43% tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn khẳng định vai trò tạo động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp của tỉnh với nhiều sản phẩm có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ tăng trưởng cao ngay từ những tháng đầu năm 2024 như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; hàng may mặc… Với việc duy trì mức tăng trưởng cao về chỉ số sản xuất và chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian qua, tin tưởng rằng, tỉnh Hà Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh là 56,5%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 20%, công nghiệp chế tạo, lắp ráp chiếm tỷ trọng 23,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%.

Theo báo Hà Nam

https://baohanam.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/chi-so-tieu-thu-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tang-manh-122359.html


Chia sẻ trên

10/07/2024 | Tác giả: P.V

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học và thực phẩm

Trước nhiều yêu cầu cũng như thách thức về an toàn thực phẩm đối với cộng đồng hiện nay, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã ra đời, khẳng định quyết tâm trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm ở khu vực miền núi phía bắc.

10/07/2024 | Tác giả: Minh Thu

Xây dựng Lý Nhân trở thành “điểm nhấn” trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Việc Khu công nghệ cao (CNC) Hà Nam được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 8/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ được xem là cơ hội giúp Hà Nam tận dụng lợi thế, tạo lập môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về lĩnh vực CNC. Với hạ tầng giao thông thuận lợi và khả năng liên kết với hệ thống cơ sở nghiên cứu - đào tạo trình độ cao của vùng đồng bằng sông Hồng; đặc biệt, là Thủ đô Hà Nộ

10/07/2024 | Tác giả: Bùi Linh

Phụ nữ Ba Sao ứng dụng khoa học kĩ thuật trong trồng na

Những năm qua, việc đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật (KHKT) đã giúp nghề trồng na trên địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng phát huy được giá trị kinh tế, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nhiều hội viên phụ nữ làm giàu trên chính quê hương mình.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...