Chợ mới ở Đắk Lắk xây xong không ai đến, 80 tiểu thương tiếp tục kêu cứu
27/01/2024 | Tác giả: PV Lượt xem: 184
Dù liên tục tiếp nhận đơn kêu cứu, yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng chợ tạm, điểm kinh doanh trái phép cũng như giải quyết việc bồi thường của 80 tiểu thương ở thị trấn Pơng Drang. Sau rất nhiều cuộc họp, tiếp công dân, UBND huyện Krông Búk đến nay vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm vụ việc...
Liên tục gửi đơn kêu cứu
Báo Lao Động tiếp tục nhận được đơn kêu cứu lần thứ 4 của tập thể 80 tiểu thương tại thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) gửi cơ quan chức năng đề nghị chi trả hỗ trợ, đền bù và đóng cửa chợ cũ, giải tỏa chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn.
Theo đơn, từ ngày chợ Pơng Drang mới xây chính thức mở cửa đi vào hoạt động ngày 25.9.2021 các tiểu thương đã đến kinh doanh buôn bán hơn 2 năm nay. Nhưng do chợ Pơng Drang (chợ cũ tự phát - PV) nằm ở tổ dân phố 5 vẫn chưa được đóng cửa cũng như các chợ tạm, tự phát, không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thị trấn vẫn chưa được giải tỏa nên tiểu thương mới không thể kinh doanh buôn bán được, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và tinh thần.
Ngoài ra, tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ, điểm kinh doanh tự phát dọc theo hai bên đường Quốc lộ 14, tỉnh lộ 688... trên địa bàn thị trấn Pơng Drang vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép và quy mô hoạt động ngày càng lớn, gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trước thềm dịp Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần.
Chị Lê Thu (tên đã thay đổi), tổ dân phố Ea Tút, thị trấn Pơng Drang chán nản nói: "Chúng tôi đã 4 lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay sự việc vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có tiến triển gì đáng kể. Cơ quan chức năng của huyện hứa dẹp bỏ chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Việc bán hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán rất quan trọng với các tiểu thương nhưng hiện tại chúng tôi không dám lấy hàng hóa về, vì không biết được chính xác thời điểm nhận tiền đền bù và tiến hành di dời. Nếu lấy hàng về rồi mới di dời thì hàng hóa sẽ bị hư hỏng rất nhiều. Cả mấy năm qua, chúng tôi không buôn bán được vì việc di dời chưa rõ ràng, lại thêm thiệt hại lần này nữa thì chúng tôi không còn cơ hội để vực lại kinh tế".
Vẫn phải chờ UBND tỉnh cho ý kiến
Trước đó năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng chợ Pơng Drang mới tại huyện Krông Búk với tổng kinh phí hơn 37 tỉ đồng. Tháng 9.2021, chợ Pơng Drang hoàn thiện với 312 kiốt, các hạng mục khác đảm bảo quy định hiện hành.
Trong hơn 2 năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với vụ việc nói trên. Tuy nhiên, UBND huyện Krông Búk vì nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa xử lý dứt điểm được sự việc.
Ngày 25.1, trao đổi với Lao Động, ông Phan Hoàng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk - cho biết, lãnh đạo UBND huyện đã yêu cầu UBND thị trấn Pơng Drang gấp rút giải quyết, dẹp bỏ các chợ tạm, điểm kinh doanh trái phép trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực.
Hiện, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường cho các tiểu thương về cơ bản đã được lập, công bố, tuy nhiên, do vướng mắc về các thủ tục, quy định hiện hành về Luật Đất đai của cơ quan, tổ chức, vượt thẩm quyền nên UBND huyện đã gửi văn bản xin ý kiến UBND tỉnh. Sau khi UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cho ý kiến và có hướng chỉ đạo xử lý thì huyện mới có thể triển khai việc bồi thường cho bà con./.
Theo Báo Lao Động
https://laodong.vn/xa-hoi/cho-moi-o-dak-lak-xay-xong-khong-ai-den-80-tieu-thuong-tiep-tuc-keu-cuu-1297451.ldo