Chung tay bảo vệ thương hiệu gạo Việt

Chung tay bảo vệ thương hiệu gạo Việt

28/03/2025 | Tác giả: B.ĐẤU - K.TÂM - C.TUỆ - NGHI VŨ Lượt xem: 23


Sau vụ TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt 3 năm tù treo người làm giả bao bì sản phẩm gạo ST25 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người làm giả, nhái bao bì lúa gạo.

Chung tay bảo vệ thương hiệu gạo Việt

Bởi việc làm giả bao bì lúa gạo này nhằm để bán sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng. Hành vi này không chỉ trục lợi mà còn phá hoại doanh nghiệp (DN), làm thiệt hại uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Hàng nhái, hàng giả tràn lan

Ông Đinh Minh Tâm, giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết gạo của công ty ông liên tục bị nhiều tỉnh ở miền Trung, miền Bắc làm giả, làm nhái thương hiệu gây thiệt hại rất lớn cho DN.

Cụ thể, đơn vị đã phát hiện tại Nghệ An và Hà Tĩnh có người làm giả bao bì thương hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ của DN nhưng tỉnh này chỉ xử lý vi phạm hành chính, nhiều lắm là 70 triệu đồng dù vụ việc đã đủ yếu tố hình sự.

Công ty mong cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng cảnh sát kinh tế và lực lượng quản lý thị trường cần xử lý công tâm khi thực thi pháp luật bảo vệ DN.

Theo ông Tâm, hiện luật đã có nhưng trong một số vụ việc, cơ quan chức năng các tỉnh chưa xử lý đến cùng vụ việc. Gạo giả khiến người tiêu dùng sử dụng sẽ đánh giá thấp rồi làm mất uy tín, thương hiệu của DN. "Nếu tiếp tục buông lỏng khâu quản lý và xử lý sẽ giết chết các thương hiệu sở hữu trí tuệ như chúng tôi.

Tuy vậy nếu muốn xử lý hình sự thì hàng hóa phải từ 200 triệu đồng trở lên hoặc làm giả bao bì, in ấn. Tuy nhiên cách xử lý lại chưa đi đến hành vi in ấn bao bì giả mà mới chỉ dừng lại ở hành vi sử dụng bao bì giả", ông Tâm phân tích.

Ông Tâm cho rằng sau nhiều vụ việc bị làm giả thương hiệu gạo của Công ty Cỏ May, công ty đã tự điều tra rồi nhờ lực lượng chức năng xử lý và tự bảo vệ chính mình.

"Cách xử lý hiện nay mới chỉ làm phần ngọn là chuyện làm giả, làm nhái bao bì, nhãn mác thương hiệu gạo trong khi phần gốc là ai làm, ai sản xuất ở đâu thì chưa được xử lý tận gốc", ông Tâm chia sẻ thêm.

Năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường và lực lượng chức năng thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm trên địa bàn hai quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức phát hiện hơn 2 tấn gạo giả nhãn hiệu gạo ông Cua. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra và chưa đưa ra xét xử.

Túi gạo giả - Ảnh: Ông Hồ Quang Cua cung cấp

Doanh nghiệp tự điều tra, tự bảo vệ

Bà Ngô Diệp Bích Thanh, phó tổng giám đốc gạo A An (Tập đoàn Tân Long), cho hay thương hiệu gạo tại Việt Nam chưa được bảo hộ chặt chẽ. Trước đây, gạo A An đã từng bị làm nhái nhiều lần. Sau khi gạo A An đạt chứng nhận quốc gia nên đơn vị đã in thêm những chứng nhận này lên bao bì. Từ đó, nạn làm giả có giảm đi.

"Gạo nhái nhiều nhất hiện nay là gạo ông Cua, có nơi để gạo "Ông Vua" với giá cực thấp. Thực ra, đây là gạo hàng xá được đóng bao, không có cơ sở sản xuất, không có xuất xứ rõ ràng, miễn sao nhập nhằng đây là gạo ST25 là được.

Trong khi đó nhiều người tiêu dùng vẫn không hình dung được thật - giả nên các DN mong cơ quan chức năng đồng hành xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái tích cực hơn", bà Thanh nói.

Cũng theo bà Thanh, hiện trên thị trường bao bì được nhiều người vô tư đặt hàng nhưng còn thiếu việc kiểm tra hoặc ít kiểm tra, xử lý.

Vụ giả bao bì ST25 ở Bắc Ninh vừa rồi bị bắt được báo chí đăng thì mới hay, bình thường ít thấy việc kiểm tra nhãn mác, bao bì hay thương hiệu gạo.

"Người làm gạo giả chỉ có thể sao chép một vài nét giống gạo thương hiệu chứ không thể đưa những logo, giải thưởng lên bao bì được nên trước hết, DN cần đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ rõ ràng để thương hiệu hợp pháp, hợp lệ", bà Thanh chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Vũ Ngọc Đỉnh, tổng giám đốc Techpal Group, nhận định các đối tác quốc tế hiện nay chưa tin tưởng gạo Việt Nam. Trong các siêu thị nước ngoài, hầu hết là gạo Nhật, gạo Thái, còn gạo Việt Nam được đóng tem nhãn của siêu thị.

Các DN Việt rất yếu trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý quốc tế, ví dụ nhãn hiệu Techpal rất khó đăng ký trên toàn cầu, tên gạo ST25 thì đã không được bảo hộ trên toàn cầu... Trường hợp đăng ký được thì chi phí rất lớn.

"Để hạn chế gạo giả, Chính phủ hoặc các tỉnh cần hỗ trợ các phương án đăng ký nhãn hiệu quốc tế và cho phép gạo Việt sử dụng.

Khuyến khích DN đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu và công bố vùng trồng riêng với tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận của chính quyền và tem chống hàng giả", ông Đỉnh đề xuất.

Gạo thơm ST25 loại dẻo cùng các loại gạo khác được bán tại chợ Phú Nhuận, TP.HCM chiều 19-3 - Ảnh: T.T.D.

Cần xử lý nghiêm hành vi làm, bán gạo giả

Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết đơn vị chỉ cần cơ quan chức năng tăng cường xử lý vi phạm về việc lợi dụng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác thật để làm giả là hành vi trục lợi và phá hoại DN.

Vì Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng chưa xử lý quyết liệt. Chính vì vậy, ông Bình cho rằng việc tuyên án 3 năm tù treo với người làm giả bao bì sản phẩm gạo ST25 ở Bắc Ninh là quá nhẹ. "Việc xử án nhẹ hay chỉ xử phạt hành chính thì người vi phạm sẽ bị nhờn, không đủ sức răn đe", ông Bình nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho các tổ chức, DN kinh doanh chân chính, nếu số lượng hàng giả lớn thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn mạo tên tổ chức, cá nhân khác, mạo tên thương mại, tên sản phẩm thì đây là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Nếu là gạo hoặc các loại thực phẩm khác thì đây là sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm, nếu hàng giả không phải là lương thực thực phẩm mà giá trị tương đương với hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 192 Bộ luật Hình sự.

Nếu hàng giả là lương thực thực phẩm thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa là bao nhiêu, giá trị của hàng hóa là lương thực thực phẩm giả sẽ là cơ sở để xét tăng nặng trách nhiệm hình sự.

"Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 193 với mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù và mức cao nhất là tù chung thân đối với cá nhân.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì mức xử phạt thấp nhất là 1 tỉ đồng, mức xử phạt cao nhất đến 18 tỉ đồng. Cùng với đó, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn", luật sư Cường phân tích.

Nhận định về vụ án xảy ra tại Bắc Ninh, ông Cường cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng xác định số hàng giả có giá trị dưới 500 triệu đồng nên bị cáo bị xét xử theo khoản 2 điều 193 Bộ luật Hình sự với hình phạt là phạt tù từ 5 - 10 năm.

Có thể số gạo này chỉ giả về sở hữu trí tuệ nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, bị cáo thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và có một số tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định của pháp luật nên hội đồng xét xử đã áp dụng điều 54 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo dưới khung hình phạt và cho áp dụng điều 65 Bộ luật Hình sự để cho bị cáo được hưởng án treo.

Bảo vệ thương hiệu gạo là việc chung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng để chống được hàng giả, hàng nhái, giả mạo thương hiệu thì chủ thể sở hữu loại gạo phải xây dựng thương hiệu, nếu chưa xây dựng thương hiệu thì phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thì sẽ hạn chế được hàng giả, hàng nhái, chứ không thể giải quyết triệt để được.

"Gạo ST25 của ông Cua sản xuất tem chống hàng giả, có QR code trên bao bì. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại ít quan tâm hoặc nếu có nhận ra lại không đọc kỹ hướng dẫn. Do tâm lý cho rằng cứ gắn tem chống giả thì nghiễm nhiên là hàng thật hoặc cứ quét mã ra thông tin thì là hàng chính hãng, nên nhiều người bỏ qua hướng dẫn xác thực hoặc có kiểm tra cũng không chú ý đến các điểm bất thường.

Điều này tạo ra kẽ hở, để các đơn vị cung cấp, buôn bán gạo ST25 giả lợi dụng lừa dối người tiêu dùng. Do đó người dân cũng cần học cách tiêu dùng thông minh, đặc biệt là thông tin trên bao bì, sản phẩm đóng gói để nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái", ông Thủy chia sẻ.

Thêm vào đó bản thân chủ sở hữu cũng nên tập trung bán vào các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng có chỉ dẫn và tổ chức các đại lý phân phối để người tiêu dùng nhận diện được thương hiệu, nhãn hiệu.

Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan kiểm tra, thanh tra và thực thi pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm. Thậm chí, chủ sở hữu có thể thực hiện các biện pháp pháp lý mạnh mẽ, như khởi kiện các trường hợp sản xuất và phân phối gạo giả mạo thương hiệu. Điều này không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu mà còn tạo ra thông điệp về việc không khoan nhượng với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về mặt cơ quan quản lý, ông Thủy cho rằng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng giả, hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu và cần nâng mức xử phạt hành chính gấp 2, thậm chí gấp 5 lần đối với giá trị thực của hạt gạo, hay có thể đưa ra xử lý hình sự nhiều hơn, khi đó chúng ta sẽ chủ động ngăn chặn từ xa, đồng thời những người làm giả cũng sẽ chùn tay.

"So với những vi phạm về hàng giả, hàng nhái, giả mạo thương hiệu hiện nay thì lực lượng quản lý thị trường rất khó có thể kiểm tra, kiểm soát hết được. Hơn nữa, riêng quản lý thị trường đi kiểm tra cũng không thể kết luận đó là hàng giả, hàng nhái mà phải là liên ngành công thương, nông nghiệp, công an... để có đơn vị kết luận.

Chúng ta nên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý triệt để, còn nếu khoán trắng cho lực lượng quản lý thị trường thì khó có thể ngăn chặn tình trạng này", ông Thủy nói.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/chung-tay-bao-ve-thuong-hieu-gao-viet-20250324081127455.htm


Chia sẻ trên

27/03/2025 | Tác giả: Đức Hùng

Hàng chục tấn quýt đặc sản ở Nghệ An được giải cứu

Quýt PQ tồn đọng ở huyện Quỳ Hợp được đoàn thanh niên, thương lái tới vườn hỗ trợ thu gom, mua 5.000-8.000 đồng một kg - gấp đôi so với giá bán đầu vụ.

28/03/2025 | Tác giả: Mỹ Anh

Honda sản xuất xe máy điện đầu tiên tại Việt Nam

Mẫu ICON:e sẽ là chiếc xe máy điện đầu tiên mà hãng Nhật sản xuất và bán ra tại Việt Nam trong 2025.

28/03/2025 | Tác giả: Đan Thanh

300.000 người bán hàng online hết đường né thuế, ngân sách tăng thu nghìn tỉ

Theo thống kê tại 5 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab, hiện có 300.000 gian hàng chưa định danh được người bán, với doanh số kinh doanh trên 70.000 tỉ đồng.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...