Chuyển đổi số các ngành và nền kinh tế: Cơ hội lớn cho phát triển AI diện hẹp
15/07/2024 | Tác giả: Văn Cường Lượt xem: 174
Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) diện hẹp được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để thúc đẩy chuyển đổi số các ngành và nền kinh tế. Với hiệu quả đã được chứng minh và đang được các doanh nghiệp quan tâm, cũng như có thị trường trong nước rộng lớn, AI diện hẹp đang có nhiều cơ hội phát triển...
Lợi thế của AI diện hẹp
Bộ Thông tin và Truyền thông định nghĩa: “AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và huấn luyện cho một nhiệm vụ cụ thể để có hiệu quả cao trong phạm vi, chức năng được xác định trước”. AI diện hẹp chỉ nằm dưới sự kiểm soát của cá nhân hoặc tổ chức khác với AI diện rộng là AI của bên thứ ba, để dùng chung, đòi hỏi cần phải tuân thủ quy định (các nguyên tắc, hướng dẫn, kiểm tra…) của cơ quan quản lý nhà nước.
Phân tích thêm về AI diện hẹp, đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ trong nước hoàn toàn có cơ hội cũng như lợi thế trong phát triển AI diện hẹp và trợ lý ảo. Vì doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, sử dụng các thông tin chuyên ngành phục vụ hiệu quả cho ngành, lĩnh vực đó.
VNPT đang ứng dụng AI mạnh mẽ vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dựa trên lịch sử tiêu dùng của thuê bao, AI đã tạo ra các mô hình đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng…, với kết quả thuê bao mới tăng 21%, doanh thu tăng 19%, lợi nhuận tăng 33%, nợ xấu giảm 40%, số lượng giao dịch tăng 20%. Việc ứng dụng AI vào phân tích, đánh giá trải nghiệm người dùng… góp phần quan trọng giúp VNPT là nhà mạng duy nhất đạt tăng trưởng doanh thu di động 0,8% trong năm 2023, trong bối cảnh các nhà mạng suy giảm doanh thu 5-10%.
Doanh nghiệp lớn “đặt cược” phát triển AI
Trong kế hoạch hành động năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng tập trung phát triển AI diện hẹp phục vụ chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Quan điểm của Bộ là công nghệ nền tảng phải được cung cấp như một dịch vụ, trong đó công nghệ AI (chủ lực của hạ tầng tính toán, thành phần của hạ tầng số) sẽ được phổ cập tới người dân với giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Như vậy, thị trường hơn 100 triệu dân sẽ là cơ hội lớn cho phát triển AI.
Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ số, viễn thông đã có những bước đi quan trọng đầu tư cho phát triển AI. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, nhiều năm trước, doanh nghiệp đã tập trung cho nghiên cứu, phát triển AI. Từ việc chào mời các nhân tài trên thế giới về làm việc, tập hợp đội ngũ cho đến quyết định chọn địa điểm xây dựng một trung tâm phát triển AI tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), mua cổ phần tại những công ty AI của Mỹ..., trong năm 2023, nền tảng FPT.AI của Tập đoàn có trăm triệu lượt người dùng thường xuyên; ngôn ngữ, học máy và mô hình AI tạo sinh riêng biệt… cũng đã có bước phát triển.
Về định hướng thời gian tới, ông Trương Gia Bình cho hay, FPT tiếp tục tham gia vào liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi tạo. Cùng với việc đặt mục tiêu tiếp tục được cấp hàng vạn chứng chỉ về AI, cung ứng nhân lực về AI, FPT sẽ tiếp tục nghiên cứu về xe tự lái, về hạ tầng siêu máy tính trí tuệ nhân tạo (có tầm quan trọng tương đương như hạ tầng internet). “Bán dẫn, công nghệ ô tô, AI là 3 hướng đi mà FPT “đặt cược” trong chiến lược phát triển. Định hướng năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 17,5%, lợi nhuận trước thuế tăng 18,2%. FPT dùng AI giúp con người có cuộc sống hạnh phúc hơn”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Với Tập đoàn VNPT, Giám đốc bộ phận VNPT.AI Nguyễn Tiến Cường cho biết, các trợ lý AI được khách hàng tin dùng với trên 900 triệu lượt xác thực và định danh điện tử; 8 tỷ ký tự được chuyển đổi thành âm thanh… Đáng chú ý, các trợ lý ảo VNPT hiện đang được khối khách hàng doanh nghiệp, trong đó có khối ngân hàng lựa chọn (5 trợ lý ảo SmartVoice, VNPT eKYC, cnFace, SmartBot, Smart Reader đã phục vụ gần 1,3 tỷ lượt yêu cầu). Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cũng thông tin, VNPT mong muốn tạo ra hàng nghìn trợ lý AI để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số. Ngoài bộ giải pháp VNPT.AI hiện có, sắp tới, VNPT sẽ công bố bộ giải pháp nông nghiệp thông minh, với việc ứng dụng các công nghệ trong đó có AI để chuyển đổi số toàn diện ngành Nông nghiệp.
Tập đoàn Viettel cũng đã có những đầu tư mạnh mẽ cho AI với hệ sinh thái Viettel.AI, trong đó phải kể đến trợ lý ảo phục vụ ngành Tòa án đang được ứng dụng rộng rãi hơn 1 năm qua, giúp ngành Tòa án nâng cao chất lượng hoạt động và giảm thời gian xử án khoảng 30%.
Chia sẻ về định hướng phát triển AI diện hẹp và trợ lý ảo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với các cơ quan nhà nước, AI có thể giúp xử lý hàng trăm nghìn văn bản các loại, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo phát triển trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức; trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân và trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán.
Theo Vĩnh Phúc
https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/107054/Chuyen-doi-so-cac-nganh-va-nen-kinh-te-Co-hoi-lon-cho-phat-trien-AI-dien-hep
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn