Chuyển đổi số nông nghiệp: Loay hoay từ đưa nông sản lên sàn tới ứng dụng máy bay không người lái
07/11/2022 | Tác giả: Nhật Linh Lượt xem: 246
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu từ truy xuất nguồn gốc, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tới sử dụng máy bay không người lái vào sản xuất.
Để chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận (Đồng Tháp) chia sẻ, vấn đề lớn nhất là nông dân phải bỏ tiền ra cho những công nghệ nên sẽ rất khó khăn do điều kiện kinh tế hạn hẹp. Hơn nữa, các công nghệ này đều mới nên nông dân cũng khó tiếp cận. Đặc biệt, trong trang bị máy móc, thiết bị… phải mua hàng loạt nên người dân rất cần sự hỗ trợ.
Công nghệ đắt đỏ, khó đầu tư
Trong khi là đơn vị phân phối các máy móc công nghệ nhập khẩu, bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng, cho biết công ty đang phân phối máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là loại máy đơn giản, chất lượng tốt nên chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo cơ hội để tổ chức các cuộc hội thảo, phổ biến loại máy này đến với bà con nông dân.
Hiện nay, sau 3 năm thí điểm, Kim Hồng gặp vấn đề khó khăn như giá máy cao (450-530 triệu đồng), do vậy để áp dụng cho bà con nông dân sẽ khó khăn. Nhà nước hiện có chính sách hỗ trợ 50% vụ đầu nhưng vụ sau không hỗ trợ nên bà con nông dân không có điều kiện tiếp cận.
Do vậy, lãnh đạo Kim Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ để bà con có điều kiện tiếp cận loại máy này. Kim Hồng cũng mong muốn các sở, ban, ngành… lắng nghe để đưa ra các phương pháp hỗ trợ bà con.
Đề cập tới câu chuyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bagico, đánh giá trong khi nền tảng phục vụ chuyển đổi số tại Trung Quốc được đầu tư bài bản và là bắt buộc trong các khâu từ quản lý vùng trồng, thu mua nông sản, khai báo, lưu thông, sàn thương mại điện tử, quản lý hồ sơ thì đối với Việt Nam lại gặp rào cản lớn về mặt nhận thức.
Bà Thực thẳng thắn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương có nơi vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại. Quản lý Nhà nước vẫn chưa có ngay biện pháp, công cụ để đưa ngay lập tức ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã xưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc mà gần đây nhất là sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân.
Theo bà Thực, phía Trung Quốc ứng dụng nhiều công nghệ, đặc biệt những vi phạm vô tình hay cố tình đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc đều nằm trong hồ sơ lưu trữ dữ liệu, minh chứng vi phạm của chúng ta.
"Đối với thương hiệu quốc gia, việc bị đưa bằng chứng vi phạm, từ đó bị ngưng cấp chính ngạch cho một ngành hàng sẽ gây thiệt hại lớn đối với người nông dân. Như vậy, cần đưa vào quy định đối với thủ tục hành chính, liên thông kiểm soát giữa bộ, ban, ngành làm sao để doanh nghiệp tự giác chấp hành“, bà Thực đề xuất.
Chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường
TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến (nguyên Phó ban quản lý Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho rằng, dư địa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Việt Nam đang rất lớn. Song, chúng ta mới chỉ triển khai được 3/10 ứng dụng chính về tiếp cận thị trường và chuỗi giá trị; ứng dụng để tăng năng suất cây trồng vật nuôi; cải thiện tính an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Các ứng dụng nhằm quản lý chuỗi cung ứng; tiếp cận dịch vụ tài chính; quản lý rủi ro; quản lý đất đai; cải thiện hệ thống sáng kiến hay hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ… gần như chúng ta chưa triển khai được.
Theo TS. Thiện, các nước tiên tiến định hướng phát triển nông nghiệp thông minh rất rõ ràng, ví dụ: nước Đức thúc đẩy tích hợp hệ thống M2M và IoT, triển khai các dự án nông nghiệp 4.0. Nhật Bản thì áp dụng công nghệ Al, tạo các mô hình phối hợp giữa con người, máy móc, sản xuất thông minh; hay Israel, dù nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong điều kiện bất lợi về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu nhưng họ phát triển, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng trọt trên sa mạc…
Còn tại nước ta, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang gặp nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, hoạt động đơn chức năng; mô hình tổ chức quản lý chưa phù hợp; thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp; ít năng động sáng tạo…
“Tiếp cận công nghệ không khó, quan trọng áp dụng công nghệ đó sao cho có hiệu quả. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm công nghệ cao sản xuất ra tiêu thụ được hết; để người tiêu dùng phân biệt được giá giữa nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất thông thường, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”, TS. Từ Minh Thiện nhấn mạnh.
Trước những thách thức trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng, và áp dụng khoa học công nghệ nói chung, là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy. Trong sự tăng trưởng liên tục, tích cực của ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng đạt 52-54 tỷ USD. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, chúng ta cũng phải đối mặt xu hướng biến đổi tiêu dùng, cạnh tranh trong khu vực, nếu không có những công cụ thích hợp, rất khó phát triển. Một trong những vấn đề là chưa có hệ sinh thái ngành hàng, sinh thái thông tin, chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường, chưa kết nối với nhau.
Trăn trở đầu tiên là cơ sở dữ liệu, ông Toản cho hay Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo hai mũi nhọn đầu tiên áp dụng chuyển đổi số là trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tiên là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi. Nếu các hợp tác xã không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc, thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng.
"Thống kê cho thấy, hiện mới có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, năm tới phấn đấu có khoảng 1.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng, mỗi hợp tác xã là nền tảng để thành viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu", ông Toản chia sẻ.
Thực tế còn có những khó khăn nhất định trong áp dụng chuyển đổi số. Ông Toản nêu ví dụ về việc hiện có nhiều phần mềm khác nhau, cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. “Khi có cách tiếp cận trúng, đầy đủ, sẽ có cách làm đúng. Mong là Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam kết nối nhiều hơn nữa với các Sở Nông nghiệp địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân”.
Theo Vnbusiness
https://vnbusiness.vn/viet-nam/chuyen-doi-so-nong-nghiep-loay-hoay-tu-dua-nong-san-len-san-toi-ung-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-1089133.html