Chuyển đổi số, thay chất trên thị trường lao động
17/11/2021 | Tác giả: H.Duy Lượt xem: 403
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường lao động, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 17/11 ghi nhận nhiều ý kiến về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường lao động.
Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”. Đây là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động. Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.
Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng: Quá trình chuyển đổi nền kinh tế để đạt được Cách mạng 4.0 cần mang tính bao trùm và đặt con người làm trung tâm.
Nhấn mạnh tương lai của việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm, bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan - những người có cùng mục tiêu tăng cường kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam - bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp.
Theo Báo Vietnamnet