Chuyện kỳ lạ: Mất tiền khi mua Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi
13/03/2022 | Tác giả: Danh Trí Lượt xem: 694
Bà Phượng nhận được cuộc gọi từ nhân viên chăm sóc khách hàng Dai-ichi về việc chi trả Giá trị hoàn lại của hợp đồng vào tài khoản của người có cùng họ và tên.
Bỗng dưng hợp đồng bảo hiểm tại Dai-ichi bị… bốc hơi
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (thường trú tại P.Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM) có mua Bảo hiểm nhân thọ tại Dai-ichi qua hợp đồng bảo hiểm số 1296994 ký ngày 25/1/2017. Từ ngày mua bảo hiểm của Dai-ichi đến nay, bà Phượng khẳng định là chưa hề ký vào bất kỳ giấy tờ nào để rút tiền từ hợp đồng này.
Thế nhưng, ngày 29/11/2021, bà Phượng nhận được cuộc gọi từ nhân viên chăm sóc khách hàng của Dai-ichi thông báo đã yêu cầu Dai-ichi chi trả Giá trị hoàn lại của hợp đồng 1296994 với số tiền là 100 triệu đồng. Số tiền này đã được Dai-ichi chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân mang tên Nguyễn Thị Hồng Phượng ở ngân hàng Bảo Việt.
Ngày 30/11/2021, bà Phượng gửi đơn khiếu nại đến Dai-ichi khẳng định bà không có bất kỳ yêu cầu chi trả Giá trị hoàn lại của hợp đồng 1296994. Trong đơn khiếu nại gửi Dai-ichi, bà Phượng khẳng định: “Nếu quý công ty (Dai-ichi) có nhận bất kỳ yêu cầu nào về việc chi trả Giá trị hoàn lại của hợp đồng thì đó là yêu câu giả mạo chữ ký, hành vi này vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị Dai-ichi điều tra giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất. Cá nhân tôi nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi”.
Mãi gần 3 tháng sau khi gửi đơn khiếu nại, ngày 28/2/2022 bà Phượng mới nhận được thư phúc đáp gửi qua e-mail của Dai-ichi do Phó Tổng giám đốc công nghệ và dịch vụ bảo hiểm Trương Minh Tâm ký ngày 22/2/2022. Trong thư phúc đáp này, Phó Tổng giám đốc Trương Minh Tâm, cho biết : “Chúng tôi rất tiếc chưa có cơ sở pháp lý để xử lý yêu cầu hủy bỏ giao dịch tạm ứng từ Giá trị hoàn lại của hợp đồng vào ngày 8/7/2021 của quý khách”; đồng thởi khuyên bảo khách hàng: “Trường hợp vẫn có bất kỳ nghi ngờ nào trong sự việc nêu trên, nhằm sớm làm rõ sự việc, quý khách có thể trình báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Không đồng ý với nội dung trong thư phúc đáp của Dai-ichi, bà Phượng đã nhiều lần đề nghị được làm việc trực tiếp với người có chức trách của công ty bảo hiểm nhân thọ này. Trong e-mail gần đây vào ngày 01/3/2022, bà Phượng một lần nữa bày tỏ mong muốn gặp người có chức trách của Dai-ichi để làm việc cho rõ ràng, nhưng đến nay bà Phượng chưa gặp được ai có chức trách của Dai-ichi.
Khách hàng khẳng định bị giả mạo chữ ký
Chiều 09/3/2022, bà Phượng đã trực tiếp đến trụ sở Dai-ichi (151 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) nhưng nhân viên lễ tân tại đây cho biết bà đến đột ngột nên không có lãnh đạo nào tiếp. Nhân viên lễ tân này đề nghị bà Phượng viết vào mẫu giấy xin gặp lãnh đạo của Dai-ichi nhưng không nói cụ thể là khi nào mới được gặp.
Bà Phượng bức xúc: “Tôi là khách hàng bị mất tiền khi mua bảo hiểm của Dai-ichi, lẽ ra Dai-ichi phải nhanh chóng đến gặp khách hàng để tìm hiểu vụ việc và cùng khách hàng giải quyết thì họ lại có thái độ lẩn tránh. Tôi thấy quyền lợi của khách hàng không được tôn trọng và được bảo vệ. Dai-ichi chưa làm hết nghĩa vụ của mình với khách hàng. Tôi đã thông báo là tôi bị giả mạo chữ ký, thay vì Dai-ichi điều tra, xác minh hoặc hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền xác minh là chữ ký thật hay giả thì họ lại đẩy hết phần việc này cho khách hàng là tôi”.
Ngày 25/1/2022, bà Phượng đã đến ngân hàng Bảo Việt – chi nhánh Nam Sài Gòn để xác minh hồ sơ mở và sử dụng tài khoản mang tên mình. Bà Phượng khẳng định bà chưa từng mở bất cứ tài khoản nào tại ngân hàng Bảo Việt. Theo bà Phượng, kẻ gian đã sử dụng thông tin của bà trong hợp đồng mua bảo hiểm của Dai-ichi để làm “Phiếu yêu cầu tạm ứng” Giá trị hoàn lại của hợp đồng 1296994 với Dai-ichi và lập tài khoản mang tên bà tại ngân hàng Bảo Việt.
Bà Phượng cho biết trong thời gian tháng 7/2021 bà không có mặt ở TP.HCM để trực tiếp ký vào bất kỳ phiếu yêu cầu nào để tạm ứng từ Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm 1296994. “Thời gian này là cao điểm TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 phòng chống dịch Covid-19. Trước khi chỉ thị 16 được áp dụng, gia đình tôi đã rời khỏi TP.HCM và đến sống ở TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) đến khi TP.HCM mở cửa “bình thường mới” gia đình tôi mới trở về. Thêm nữa, khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16, đâu có ai đi ra ngoài đường nếu không có công việc cực kỳ cần thiết. Tôi không biết thời gian này Dai-ichi ở TP.HCM có mở của tiếp khách hàng hay không nhưng tôi khẳng định là tôi và gia đình không có mặt ở TP.HCM để ký vào bất kỳ yêu cầu tạm ứng nào với Dai-ichi” – bà Phượng cho hay.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới về câu chuyện kỳ lạ này.
Theo tạp chí Ngày Nay
https://ngaynay.vn/chuyen-ky-la-mat-tien-khi-mua-bao-hiem-nhan-tho-dai-ichi-post118723.html