Đà Nẵng nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài 4: Những chính sách vượt trội về an sinh xã hội
07/02/2025 | Tác giả: THÀNH DANH Lượt xem: 4
Thành phố Đà Nẵng dành nhiều nguồn lực để ban hành các chính sách vượt trội, cao hơn mức Trung ương đưa ra để hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… nhằm bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nâng mức hỗ trợ
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh chính sách của Trung ương, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy việc giảm nghèo nhanh, bền vững. Ngày 17-12-2021, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 76/2021/NQ-HĐND về quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố nâng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo Trung ương 500.000 đồng/người/tháng.
Cụ thể, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là hộ gia đình có mức thu nhập bình đầu người từ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, có thêm hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo động lực phấn đấu vươn lên. Cùng với đó, xác định có việc làm, có thu nhập là yếu tố quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, các địa phương chú trọng hỗ trợ sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo nhằm giúp hộ nghèo tự lực làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình chị Trương Thị Mười (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Sau khi tìm hiểu nguyện vọng gia đình, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê hỗ trợ xe bánh mỳ, giúp chị Mười có phương tiện buôn bán. “Sau khi được hỗ trợ xe bánh mỳ, tôi buôn bán ổn định, thu nhập tốt hơn trước, cuộc sống gia đình dần cải thiện. Tôi rất biết ơn địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo động lực để gia đình phấn đấu vươn lên”, chị Mười xúc động nói.
Song song với hỗ trợ người nghèo, thành phố dành nhiều nguồn lực chăm lo cho người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố là từ 360.000 đồng lên 400.000 đồng (tăng 1,1 lần so với quy định của Trung ương) để triển khai hỗ trợ cho gần 35.000 đối tượng trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 về sửa đổi, bổ sung Nhị quyết số 34/2021/NQ-HĐND). Theo đó, mở rộng nhóm đối tượng hưởng, mức hưởng so với quy định của Trung ương, tiêu biểu như chính sách đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi, chính sách đối với người mắc bệnh hiểm nghèo… Tính đến nay, có gần 35.000 cá nhân/hộ gia đình thụ hưởng chính sách, với kinh phí hơn 250 tỷ đồng/năm (kể cả bảo hiểm y tế và mai táng phí).
Ông Trần Văn Danh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) phấn khởi khi lần đầu tiên được nhận trợ cấp, mỗi tháng 400.000 đồng ở tuổi 75. Ông Danh cho rằng, chính sách người có tuổi từ 75 đến 80 được hưởng 400.0000 đồng/tháng có giá trị nhân văn. Quy định từ tuổi 75 sẽ có nhiều người được nhận hỗ trợ chứ nếu quy định cao tuổi hơn thì ít người được thụ hưởng. Tương tự, bà Đỗ Thị Loan (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng được hỗ trợ từ chính sách dành cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Hoàn cảnh chị Loan bi đát khi 2 vợ chồng mắc bệnh ung thư.
“Nhờ sự quan tâm của thành phố, 2 vợ chồng tôi được cấp thẻ bảo hiểm hộ nghèo, khám chữa bệnh miễn phí, 2 đứa con đi học cũng được miễn học phí. Hằng tháng, vợ chồng tôi còn được hỗ trợ 1,2 triệu đồng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo”, bà Loan chia sẻ.
Ngoài ra, để thực hiện đồng bộ, thực chất, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thành phố triển khai kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất; nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng, hệ số hưởng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố tăng lên 30% so với quy định của Trung ương; mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Chính sách đặc thù hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở
Không chỉ giúp đỡ người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo, thành phố còn có chính sách đặc thù hỗ trợ người có công cách mạng. Ngày 13-12, tại kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố khóa X thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách thành phố hỗ trợ thêm 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; 10 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở. Dự kiến có 800 hộ được hỗ trợ, tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Trong đó, có 200 hộ xây mới, kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng và 600 hộ cải tạo, sửa chữa, kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng.
Không chỉ đối tượng người có công, từ ngày 1-7, thành phố nâng mức hỗ trợ xây mới nhà cho hộ nghèo lên 80 triệu đồng/nhà (trước đây là 50 triệu đồng/nhà); hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo lên tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây là 20 triệu đồng/nhà).
Bên cạnh đó, thành phố ban hành một số chính sách đặc thù để chăm lo tốt hơn đời sống người có công được đánh giá cao như: Nghị quyết số 86/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 về trợ cấp thường xuyên cho thương binh, người có công cách mạng có mức trợ cấp thấp với mức trợ cấp 200.000 đồng/người/tháng. Chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng người có công cách mạng và chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động theo Nghị quyết số 245/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 với mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, thành phố ban hành Nghị quyết số 102/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 sửa đổi Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố về quyết định chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; trong đó mức trợ cấp thường xuyên hằng tháng là 1.030.000 đồng/tháng (bằng 0,5 lần mức chuẩn trợ cấp người có công cách mạng theo quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng).
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và 15 chính sách an sinh xã hội mới mang đậm tính nhân văn. Với các giải pháp, chính sách cụ thể, hệ thống an sinh xã hội thành phố ngày càng hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh xã hội trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
“Chính sách đặc thù của thành phố thực hiện trong thời gian qua, các mức hỗ trợ đều cao hơn so với quy định của Trung ương 1,2 đến 1,5 lần, đối tượng ngày càng được mở rộng. Điều kiện được hưởng cũng mở rộng tới các hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Điều này cho thấy thành phố rất quan tâm đến người có công cách mạng, người nghèo để cuộc sống ngày càng tốt hơn”, ông Hoàng nói.
Theo báo Đà Nẵng
https://www.baodanang.vn/xa-hoi/202502/da-nang-no-luc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-bai-4-nhung-chinh-sach-vuot-troi-ve-an-sinh-xa-hoi-4000270/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn