Đắk Glong khó giải ngân hơn 267 tỷ đồng vốn mục tiêu quốc gia
24/07/2024 | Tác giả: Đặng Dương Lượt xem: 162
3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) có tác động lớn đến huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn của các chương trình chưa đạt tiến độ đề ra.
Giai đoạn 2022-2024, huyện Đắk Glong được phân bổ trên 785 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình MTQG. Với nguồn vốn trên, huyện tập trung đầu tư thực hiện nhiều dự án an sinh, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương như đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đất ở, nhà ở; hỗ trợ sinh kế…
Quá trình triển khai các chương trình MTQG cho thấy, người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Các chương trình góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Kiến thức sản xuất, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên. Nhiều hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, xóa bỏ…
Tuy nhiên, giống như một số địa phương, đến nay có nhiều dự án, tiểu dự án của huyện Đắk Glong còn vướng cơ chế chính sách, chưa có cơ sở thực hiện, giao dự toán chi tiết.
Tính đến tháng 6/2024, huyệnĐắk Glong mới giải ngân được hơn 302 tỷ đồng vốn của 3 chương trình MTQG; chưa giải ngân xong gần 216 tỷ đồng. Tổng số tiền các dự án còn vướng mắc, chưa triển khai (giai đoạn 2021- 2024) là trên 267,3 tỷ đồng.
Phần lớn vốn chưa thể giải ngân tập trung ở các dự án ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững… Trong số này, dự án hỗ trợ nhà ở chưa giải ngân là 34,6 tỷ đồng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững chưa giải ngân là trên 15,6 tỷ đồng...
Theo UBND huyện Đắk Glong, đối với việc hỗ trợ nhà ở, địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa có đất thổ cư. Nhiều hộ có đất nhưng nằm trong quy hoạch ranh phân khu chức năng phát triển du lịch, quy hoạch khoáng sản nên không thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, từ năm 2016 tới nay, Trung tâm Dạy nghề được sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng trụ sở riêng. Chính vì thế, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, để thực hiện được mục tiêu giải ngân nguồn vốn năm 2022, 2023 và 95% nguồn vốn năm 2024, huyện Đắk Glong đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của người dân trong việc thực hiện các chương trình MTQG. Huyện nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình.
“Ngoài việc tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thu ngân sách, đặc biệt nguồn thu từ tiền sử dụng đất để bố trí đối ứng thực hiện các chương trình MTQG. Huyện Đắk Glong đẩy nhanh hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn, tạo quỹ đất sạch cho các dự án”, ông Đoàn Văn Phương cho hay.
Tại Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 10 (25/6), HĐND tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm phân cấp cho HĐND cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Huyện Tuy Đức, Đắk Glong được lựa chọn thực hiện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025.
Đây là 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh. 2 huyện đều thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và được phân bổ nguồn vốn lớn.
Theo Báo Đắk Nông
https://baodaknong.vn/dak-glong-kho-giai-ngan-hon-267-ty-dong-von-muc-tieu-quoc-gia-221636.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn