Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước: Sẽ có kịch bản điều hành cụ thể
12/07/2022 | Tác giả: Minh Thu Lượt xem: 382
Trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục hồi kinh tế.
Thị trường nhiều biến động
6 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Tại Việt Nam, hiện giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, công cụ Quỹ BOG không còn nhiều dư địa. Số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm.
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính về mức giảm hết khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mờ nhờn, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Từ đó, hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm khoảng 35-40% tổng cung - đã giảm mạnh công suất sản xuất.
Cụ thể, trong tháng 1, 2 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%. Có thời điểm ngừng sản xuất do sự cố kỹ thuật nên không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu. Đồng thời ban hành Quyết định 242 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong nửa đầu năm 2022 đến nay luôn được đảm bảo.
Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam về khả năng cung cấp xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (đặc biệt là từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), Bộ Công Thương sẽ xây dựng phương án và chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (găm giữ hàng). Tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra và xử nghiêm các hành vi vi phạm trên cả nước đối với các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và kiên quyết xử lý nghiêm trong trường hợp sai phạm.
Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành, các bên liên quan để có các phương án, giải pháp thống nhất công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với các khó khăn. Theo đó, sử dụng công cụ Quỹ BOG, các gói hỗ trợ về giảm thuế, phí, lãi suất, các gói về an sinh xã hội…
Theo báo Doanh nghiệp Việt Nam
https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/dam-bao-nguon-cung-xang-dau-trong-nuoc-se-co-kich-ban-dieu-hanh-cu-the/20220711104647475