Đầu tư sang Lào: Đất mới, cơ hội mới
19/07/2024 | Tác giả: BẢO NGỌC Lượt xem: 108
Mới đây, đoàn công tác của UBND tỉnh do ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Chuyến đi đã mang lại những kết quả tích cực về việc đẩy mạnh hoạt động thương mại, sự mở rộng về tầm nhìn và cơ hội gắn kết, hợp tác trên cơ sở niềm tin, sự chủ động trong hội nhập và phát triển.
Vùng đất mới
Lào là nước làng giềng, có mối quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp với Việt Nam. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập vào thị trường lớn của tiểu vùng châu Á. Hiện nay, đầu tư của Việt Nam đứng thứ 3 tại Lào, chính vì vậy mà giao thương giữa 2 nước diễn ra khá sôi động.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào trong tháng 1/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 56,8 triệu USD, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm, xăng dầu các loại; sản phẩm từ sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng… Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực của các bên, thì gần đây thị trường Lào ngày càng đón nhận nhiều mặt hàng may mặc, thực phẩm của Việt Nam, nhất là thực phẩm biển như hải sản khô và các loại nước mắm.
Quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư thương mại tại thị trường Lào, Bình Thuận đã thành lập đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Lào nhằm quảng bá hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường này.
Theo đó, trong 5 ngày từ ngày 18 - 22/6 tại thủ đô Viêng Chăn, đoàn công tác của Bình Thuận do ông Phan Văn Đăng làm trưởng đoàn đã có nhiều chương trình hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Lào như: hội đàm với chính quyền thủ đô Viêng Chăn; làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; làm việc với Cục Xúc tiến Thương mại và Thủ công - Bộ Công Thương Lào; đi khảo sát thực tế tại các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại thủ đô Viêng Chăn.
Ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, mặc dù Bình Thuận có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, như: trái thanh long tươi, sản phẩm thanh long, nước mắm, thủy hải sản tươi – khô, các sản phẩm vật liệu xây dựng, công nghiệp và nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng hiện nay, tỉnh Bình Thuận chưa có doanh nghiệp đầu tư hoặc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Lào. Chính vì vậy mà Bình Thuận rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại tại Lào. “Đây sẽ là cơ hội rất lớn để tỉnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh về nông - lâm – thủy sản đặc trưng, thực phẩm an toàn, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương đến với nước bạn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ.
Cũng trong chuyến đi lần này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng mong muốn Cục Xúc tiến Thương mại và Thủ công - Bộ Công Thương Lào sẽ là cầu nối để giới thiệu đến các doanh nghiệp Lào tiêu thụ các mặt hàng lợi thế của tỉnh Bình Thuận như: thanh long, hạt điều, thủy sản, nước mắm, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp có chất lượng. Song song đó, các cơ quan chức năng của Lào sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp Bình Thuận tiếp cận thị trường Lào để hợp tác, kinh doanh những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh Bình Thuận; xúc tiến các hoạt động đầu tư, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh giữa hai bên.
Mở ra cơ hội mới
Thành công của chuyến đi, là các doanh nghiệp của tỉnh nhà đã được chia sẻ những thông tin, gợi mở những giải pháp phù hợp để thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương với các doanh nghiệp Lào. Các thành viên đoàn công tác xúc tiến thương mại của Bình Thuận cũng đã nắm rõ nhu cầu thị trường, yêu cầu về chất lượng, thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ dẫn vị trí địa lý, quy định vùng trồng, điều kiện giao nhận hàng của các đối tác khi xuất khẩu các sản phẩm. Từ đó, góp phần đưa thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Lào. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Bình Thuận cũng tìm hiểu thêm về thông tin giá cả thị trường, chế độ, chính sách khi xuất khẩu sang thị trường Lào; nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Lào.
Trở về sau chuyến công tác tại Lào, ông Huỳnh Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trà (Hàm Thuận Nam) - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho rằng, qua khảo sát thị trường tại Lào, nhận thấy tại siêu thị VinMart cũng có bán thanh long của Bình Thuận. Tuy nhiên, trái thanh long ở đây không phải là loại tốt nhất của Bình Thuận, mà chỉ bán loại 2, loại 3. Mặt khác, thị trường tiêu thụ cũng chưa lớn. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt đối với những mặt hàng được chế biến từ trái thanh long tươi như rượu vang, mứt thanh long…
Cũng với mong muốn gặp gỡ, tìm hiểu đối tác, kết nối với các doanh nghiệp ở thị trường Lào, bà Nguyễn Thị Kim Châu – Giám đốc Công ty TNHH hải sản Kim Châu chia sẻ, qua lần xúc tiến này, nhận thấy thị trường Lào rất có tiềm năng với những đặc sản của tỉnh Bình Thuận như thanh long, nước mắm, hải sản. “Thế mạnh của Kim Châu là hải sản và Kim Châu đã xuất đi các nước Đông Nam Á, nên Kim Châu tự tin có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường bên Lào”, bà Châu nói.
Qua chuyến công tác xúc tiến thương mại vừa qua, ông Trần Minh Hoài – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Nhân dân Lào nói chung và nhân dân của thủ đô Viêng Chăn nói riêng rất ưa chuộng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Thuận. Chẳng hạn như thanh long, nước mắm, hạt điều… Cho nên sắp đến Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có nhiều giải pháp để đẩy mạnh thị trường, cung cấp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào thị trường Lào.
Đặc biệt, thành công mang lại đó là đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong việc xúc tiến thương mại, đầu tư tại thủ đô Viêng Chăn - Lào; các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam đã giải đáp rõ những thắc mắc của các doanh nghiệp Bình Thuận về thị trường Lào, chia sẻ những thuận lợi, lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Lào. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa đối với hoạt động kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa Bình Thuận và các đối tác tại Lào trong các lĩnh vực 2 bên có nhu cầu và thế mạnh.
“Lào – Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt; núi liền núi, sông liền sông; có nền văn hóa tương đồng; hai nước có mối quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa gắn kết và bền chặt. Lào là thị trường có nhiều tiềm năng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; với lợi thế về mặt hàng nông lâm thủy sản, hy vọng rằng trong thời gian tới Bình Thuận và Viêng Chăn sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động đầu tư và xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh.
Theo Bình Thuận
https://baobinhthuan.com.vn/dau-tu-sang-lao-dat-moi-co-hoi-moi-119806.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn