Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
23/01/2025 | Tác giả: Mạnh Hùng Lượt xem: 10
Thời gian qua, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, toàn diện. Từ đó đạt được bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, phục vụ đời sống của người dân và xã hội ngày càng tốt hơn.
Chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, triển khai Dự án cơ sở dữ liệu (CSDL) giáo dục Hòa Bình và Hệ sinh thái giáo dục thông minh. Nhờ đó, dữ liệu về trường, lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất được cập nhật đầy đủ kết nối liên thông dữ liệu với CSDL giáo dục quốc gia, đáp ứng hiệu quả công tác tổng hợp, thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành. Tính đến tháng 12/2024, có 98,4% dữ liệu thông tin học sinh, cán bộ, giáo viên trên hệ thống được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư. Hiện ngành triển khai hệ thống truyền thông giáo dục eNetViet, số hóa hồ sơ, thư viện số và các phân hệ trong Hệ sinh thái giáo dục thông minh để giảm tải thời gian, công việc của nhà trường, giáo viên. Cùng với đó, ngành triển khai đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng trên Cổng dịch vụ công (DVC). Trong năm 2023 và 2024, 100% thí sinh của tỉnh đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng thực hiện đăng ký trên cổng DVC. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP, Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó, toàn tỉnh đã ký, phát hành 63.511/63.930 học bạ điện tử, đạt 99,34%, vượt so với yêu cầu của Thủ tướng và Bộ GD&ĐT đề ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ CĐS một cách toàn diện. 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện và tỉnh triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng KCB bằng căn cước công dân gắn chíp; 100% cơ sở y tế phối hợp đơn vị công an trên địa bàn triển khai đăng ký lưu trú thông qua ứng dụng VNeID tại các cơ sở KCB. Toàn tỉnh thực hiện tích hợp thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dựng VNeID cho 103.781 trường hợp; tích hợp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) 106.253 trường hợp; giấy chuyển tuyến 5.196 trường hợp; giấy hẹn khám lại 2.612 người bệnh.
Đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH cũng đã chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu cho 168.982/203.307 trẻ em trong toàn tỉnh, đạt 83%; nhập dữ liệu cho 371.649 người lao động vào phần mềm CSDL quốc gia về dân cư, đạt 63% số lao động dự kiến thu thập; rà soát làm sạch 40.680/40.877 người hưởng chính sách an sinh xã hội hàng tháng, đạt 99,5%. Thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 31.715/40.877 người có tài khoản ngân hàng hưởng chế độ hàng tháng, đạt 77,59%; chi trả qua tài khoản cho 26.858/40.877 đối tượng, đạt 65,7%; tiếp nhận 83 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia, giải quyết, trả đúng hạn đạt 100%...
Phục vụ đời sống người dân và xã hội ngày càng tốt hơn
Những kết quả trong công tác CĐS đã góp phần phục vụ đời sống của người dân và xã hội ngày càng tốt hơn. Anh Bùi Văn Phượng, xóm Bưa Sen (xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc) chia sẻ: Người dân được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình, mục tiêu CĐS. Đặc biệt là từ việc cài đặt tài khoản định danh điện tử và tài khoản trên cổng DVC. Từ đó hạn chế phiền hà, phức tạp khi làm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến bản thân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, xa cách trung tâm huyện cả trăm km.
Theo đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, từ việc đẩy mạnh CĐS đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhất là ở địa bàn điều kiện địa hình phức tạp, giao thông khó khăn như Đà Bắc. Nếu trước đây huyện tổ chức cuộc họp, cán bộ ở những xã cách xa trung tâm huyện phải đi lại mất thời gian, công sức thì hiện nay những vấn đề này đã được giải quyết khi đẩy mạnh CĐS toàn diện, đồng bộ. Các văn bản chỉ đạo, điều hành được triển khai đến từng địa phương, từng cán bộ lãnh đạo ở cơ sở, nhờ vậy mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh CĐS trong toàn tỉnh đã mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả trong việc phục vụ đời sống người dân và xã hội ngày càng tốt hơn. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 70 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành. Tích hợp, cung cấp 1.310/1.860 TTHC trên Cổng DVC quốc gia, đạt 70,43%. Lực lượng Công an đã cấp căn cước cho 728.073/732.456 công dân từ đủ 14 tuổi đủ điều kiện, đạt 99,4%; xác thực và định danh điện tử 500.508 tài khoản, đạt 68%. Cơ quan chức năng đã cấp 1.500 chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp. 232 cơ sở y tế thực hiện KCB BHYT bằng căn cước gắn chip, đạt 100%. Đồng bộ, xác thực dữ liệu chuyên ngành với CSDL quốc gia về dân cư 782.953/784.926 người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đạt 99,75%... Qua đó, người dân không phải xuất trình nhiều giấy tờ khi giao dịch, dữ liệu được đồng bộ, thông suốt, chính xác; góp phần thúc đẩy, từng bước xây dựng, hoàn thiện xã hội số, công dân số và chính quyền số trong toàn tỉnh.
Theo báo Hòa Bình
https://www.baohoabinh.com.vn/250/197242/Day-manh-chuyen-doi-so-toan-dien.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn