Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
17/01/2025 | Tác giả: KHÁNH TRÌNH Lượt xem: 7
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị sang một nền nông nghiệp hiện đại, qua đó mang lại những giá trị mới và bền vững cho sản xuất nông nghiệp với chi phí sản xuất được giảm đến mức thấp nhất có thể.
Trong nhiều năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức) đã chủ động tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số vào các quy trình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh. Hợp tác xã không chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ quản lý, mà còn kết hợp nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững. Nhờ việc tái sử dụng tài nguyên như giá thể xơ dừa từ sản xuất thủy canh, đơn vị đã góp phần tăng cường hiệu quả sinh thái và giảm lượng rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bằng sự kết hợp giữa chuyển đổi số và nông nghiệp tuần hoàn, Hợp tác xã đang tạo ra mô hình điển hình cho sản xuất nông nghiệp bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết: Hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cụ thể, hợp tác xã đã tích hợp các hệ thống cảm biến IoT (Internet of Things) vào mô hình trồng rau thủy canh. Các cảm biến này theo dõi và ghi nhận liên tục các thông số quan trọng như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và nồng độ dinh dưỡng trong nước. Dữ liệu được thu thập và phân tích tự động, từ đó hỗ trợ điều chỉnh kịp thời để bảo đảm môi trường canh tác tối ưu. Đơn vị còn sử dụng phần mềm quản lý để theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và phân phối, giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao năng suất. Sản phẩm được dán mã QR, cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc một cách nhanh chóng và minh bạch.
Hợp tác xã cũng tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ số cho đội ngũ nhân viên và thành viên. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành mà còn tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện. Cùng với đó, Hợp tác xã xây dựng hệ thống dữ liệu về cây trồng, môi trường, hiệu quả sản xuất để phân tích đưa ra các dự báo, cải thiện quy trình trồng trọt trong tương lai. Điều này giúp hợp tác xã hướng tới sản xuất nông nghiệp chính xác và bền vững hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng được niềm tin của khách hàng thông qua các sản phẩm an toàn, minh bạch về nguồn gốc.
Chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh là đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các nhóm cây, con chủ lực: Rau, hoa-cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Dũng, thành phố xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Thành phố đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến môi trường. Đồng thời, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo tiền đề thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại thông qua việc ứng dụng internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Một số doanh nghiệp lớn đã tiên phong áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối cũng như tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp thành phố gặp một số khó khăn, như: Hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương phần lớn còn mang tính nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; nông dân chưa nắm bắt được kỹ năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; chi phí đầu tư ban đầu cho chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khá cao, là thách thức đối với nhiều nông dân, nhất là ở các khu vực nông nghiệp nhỏ và cơ sở hạ tầng kém phát triển.
Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp thành phố cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích nông dân, các hợp tác xã… tập trung quỹ đất để sản xuất nông nghiệp theo vùng sản phẩm; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, cũng như hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư về công nghệ. Cụ thể, ngành nông nghiệp cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lao động trẻ tham gia chuyển đổi số; khuyến khích nông dân đầu tư các thiết bị công nghệ tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mời các nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo… để nhân rộng mô hình.
Theo báo Nhân dân
https://nhandan.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-post856431.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn