Dệt may Việt Nam dự kiến xuất siêu 19 tỷ USD
21/11/2024 | Tác giả: Huyền My Lượt xem: 15
Năm 2024, ngành dệt may ước đạt xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Ngày 19/11, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết năm 2024, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Theo đó, VITAS nhận định kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, ngành dệt may xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Mỹ vẫn là nơi mua nhất nhiều hàng may mặc của Việt Nam, ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm ngoái. Thị trường này chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Nhật Bản với 4,57 tỷ USD, EU 4,3 tỷ USD, Hàn Quốc 3,93 tỷ USD, Trung Quốc 3,65 tỷ USD và Đông Nam Á là 2,9 tỷ USD.
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025. Song điều chưa lạc quan nhiều, đơn giá vẫn không tăng.
Chủ tịch Vitas cho rằng dù giá không tăng, nhưng kết quả năm 2024 vẫn khả quan. Nguyên nhân là do doanh nghiệp tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc; thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, là việc áp dụng các giải pháp về công nghệ, tự động hoá nhằm nâng cao năng suất lao động.
Ngành dệt may còn hưởng lợi khi 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) có hiệu lực. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, thương mại phục hồi chậm, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng, có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm - thị trường và từng bước nâng cao năng lực quản trị. Các doanh nghiệp may mặc trong nước cũng dần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các FTA, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.
Từ 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
https://doanhnghieptiepthi.vn/det-may-viet-nam-du-kien-xuat-sieu-19-ty-usd-161241120074328616.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn