Doanh nghiệp chủ động vượt khó, ổn định sản xuất
17/07/2024 | Tác giả: KHÁNH DUY Lượt xem: 132
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Qua đó, tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của DN khá ổn định. Bên cạnh đó, nhận định thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi DN cần chủ động ứng phó, giữ ổn định tình hình sản xuất của mình.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Ngay từ đầu năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Nội dung Chương trình hành động bám sát các nhóm nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và phân công cụ thể đảm bảo các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo;...
Theo UBND tỉnh, từ cuối năm 2023, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các DN, HTX gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, tiêu thụ vào các thị trường trong và ngoài nước…
Từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, tín dụng đối với DN. Qua đó, đã thực hiện giảm thuế cho 1.700 lượt người nộp thuế với tổng số tiền giảm trên 215 tỷ đồng.
Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP là trên 126 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 là trên 89,3 tỷ đồng…
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2023 khoảng 0,1-0,3 %/năm, tỉnh cũng đã hỗ trợ tích cực cho người dân và DN trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận khoản vay mới…
Với nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 11,75% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 349 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức xuất khẩu tăng mạnh như: phương tiện vận tải và phụ tùng; giày da tăng 29,77%; hàng rau quả;…
Doanh nghiệp chủ động ổn định sản xuất
Tại Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam), đi vào hoạt động vào năm 2015 với 2 xưởng sản xuất với hơn 3.000 lao động.
Theo bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự, mặc dù dịch COVID- 19 bùng phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng công ty luôn chủ động các phương án sản xuất, duy trì khách hàng cũ, mở rộng khách hàng mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
“Hiện tại, công ty đang xây dựng xưởng 3 với diện tích khoảng 16.000m2, với tiêu chuẩn “Nhà máy xanh” của LEED. Qua đó sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu đơn hàng cao cấp hơn trong thời gian tới. Xưởng 3 sau khi đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần tạo việc làm mới cho hơn 1.600 lao động”- bà Hằng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, hầu hết các DN hiện tiếp dục duy trì ổn định quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ. Trong đó, chủ động xây dựng các kịch bản nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức mới trong thời gian tới.
“Để vượt qua khó khăn, ngoài chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của tỉnh, thời gian tới, DN cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, cơ cấu lại thị trường, cách thức phân phối, thiết kế lại sản phẩm dịch vụ phù hợp, tiết kiệm chi phí, liên kết các nguồn lực bên ngoài…
DN cũng cần đánh giá những cơ hội mới, chuẩn hóa lại hệ thống quản trị và các nguồn nội lực, đặt vai trò mình trong môi trường hội nhập sâu rộng, định hướng chiến lược thích ứng phát triển bền vững lâu dài…”- ông Nam chia sẻ thêm.
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đã tiếp tục yêu cầu các sở, ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ thực hiện thủ tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
“Cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm; tích cực hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối, tìm kiếm thị trường mới…”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.
Theo Báo Vĩnh Long
https://www.baovinhlong.com.vn/kinh-te/202406/doanh-nghiep-chu-dong-vuot-kho-on-dinh-san-xuat-3184365/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn