Doanh nghiệp “khát” lao động
12/08/2024 | Tác giả: PV Lượt xem: 172
Số lượng các đơn đặt hàng đang phục hồi, thậm chí là tăng mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay rất khó tuyển lao động.
"Thủ phủ may mặc" thế giới lao đao
Nhiều nhãn hàng thời trang nước ngoài, giai đoạn này đang lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt hàng sản xuất. Như Công ty May 10 cho biết, lượng đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm đã tăng 40% so với cùng kì năm ngoái. Doanh nghiệp cần tuyển thêm 4.000 lao động để mở rộng sản xuất nhưng tới giờ mới tuyển được 1/4.
Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Hỗ trợ tiền thuê nhà và nhiều chế độ khác, đồng thời có nhà trẻ chăm lo cho con em người lao động, tuy nhiên số lượng tuyển được vẫn rất thấp so với nhu cầu hiện nay".
Bình thường mỗi chiếc máy may sẽ phải do 1 công nhân vận hành. Nhưng giờ thì 1 công nhân đang vận hành cả 4 máy. Thực tế là kể cả có tuyển đủ được công nhân thì cũng phải mất từ 1 đến 6 tháng đào tạo để 1 công nhân đảm nhận được 1 vị trí máy.
Ngành da giày từ đầu năm đến giờ cũng đang tăng trưởng sản xuất gần 30%. Thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp cũng đang thiếu hụt từ 30 - 50% số công nhân cần có.
Ông Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết: "Các đối tác châu Âu đặc biệt là Mỹ rất quan tâm đến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là số lao động có tay nghề. Phần lớn các doanh nghệp đều chưa đáp ứng được điều đó".
Theo các chuyên gia, mức lương làm việc trong môi trường công nghiệp tuy có tăng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn. Đơn hàng có lúc nhiều, lúc lại giảm với nhiều đòi hỏi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trong khi người lao động bây giờ lại đang có nhiều lựa chọn làm việc trong môi trường công nghệ như bán hàng online, chạy xe công nghệ. Giải pháp được cho là phải thay đổi ngay từ khâu tuyển dụng và đào tạo.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: "Đào tạo để bảo đảm là lao động thích ứng được với xu hướng mới trong môi trường công nghiệp. Tình trạng thiếu lao động có thể là cục bộ. Người lao động ở nơi có lại ngại di cư. Nên có những sáng kiến để kết nối người lao động với doanh nghiệp ở góc độ vùng giữa các địa phương với nhau".
Xuất khẩu đang trên đà phục hồi, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu cũng đang được hỗ trợ mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã nỗ lực kí kết thời gian qua. Tất cả sẽ chỉ có giá trị nếu như bây giờ bài toán về nhân lực được giải quyết tốt.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-khat-lao-dong-20240811203637388.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn