Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long
11/10/2023 | Tác giả: Thu Hiền Lượt xem: 239
Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL do VCCI Cần Thơ tổ chức tối 10/10 là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Tối 10/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đa lĩnh vực và doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là dịp để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đồng bằng Sông Cửu Long; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, Đồng bằng sông Cửu Long có nền nông nghiệp lớn. Tuy nhiên, khu vực này còn hạn chế về hạ tầng giao thông. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lớn nên nhu cầu về phát triển giao thông và logistics rất lớn. Hiện nay, Chính phủ đầu tư rất lớn về giao thông từ đường cao tốc, cảng biển cũng như hạ tầng logistics để phục vụ sản xuất.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam và đứng thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long (sau Singapore). Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã dịch chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long.
“Sự kiện hôm nay sẽ cung cấp nhiều thông tin từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long,” ông Lam kỳ vọng.
Tại buổi gặp gỡ, doanh nghiệp Nhật Bản thông tin về những lĩnh vực dự kiến, mong muốn đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền địa phương các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng trao đổi, giới thiệu những kế hoạch, dự án tiềm năng mời gọi đầu tư từ phía Nhật Bản.
Tập đoàn Senko - một tập đoàn đa ngành thành lập năm 1946 chuyên về vận tải, giao thông và logistic, có 160 công ty con và công ty liên kết đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên thế giới chuyên về vận tải, logistics - cũng tham dự buổi gặp gỡ để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tập đoàn Senko mong muốn thành lập trung tâm logistic kho bãi, vận tải, xuất khẩu nông thủy sản tại phía Nam của Việt Nam để mở rộng hệ thống logistic của tập đoàn đến khu vực hạ lưu Sông Mekong và Đông Nam Á.
Vì vậy, ông Yasuhisa Fukuda - Chủ tịch Tập đoàn Senko mong muốn gặp gỡ, làm việc, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Đồng Tâm Group mong muốn cùng Tập đoàn Senko tìm giải pháp hướng đến sự kết nối các cảng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thủy để phát huy lợi thế sông ngòi khu vực. Từ đó, góp phần đưa hàng hóa của khu vực ra thế giới với giá thành cạnh tranh nhờ vào tối ưu chi phí logistics.
Ông Ngô Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cũng giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư vào Sóc Trăng; trong đó có dự án cảng biển nước sâu Trần Đề.
Theo VietnamPlus
https://www.vietnamplus.vn/duc-canh-bao-ai-co-the-chap-them-canh-cho-nhung-con-ho-cong-nghe/901272.vnp