Doanh nghiệp vào guồng sản xuất đáp ứng đơn hàng ngay đầu năm mới

Doanh nghiệp vào guồng sản xuất đáp ứng đơn hàng ngay đầu năm mới

10/02/2022 | Tác giả: Lê Thúy Lượt xem: 328


Đầu năm mới Nhâm Dần 2022, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cho quãng thời gian 6 tháng tới cả năm. Vì vậy, thay vì "chơi hết tháng Giêng", các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất từ mùng 3, mùng 4 Tết... Những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.

Doanh nghiệp vào guồng sản xuất đáp ứng đơn hàng ngay đầu năm mới

Các doanh nghiệp đã lên kịch bản sẵn sàng sản xuất sống chung với đại dịch COVID-19. Theo đó, doanh nghiệp cũng mạnh dạn hơn trong việc mở rộng nhà máy, tuyển dụng thêm công nhân.

Tuyển thêm lao động, mở rộng đầu tư

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết đến mùng 10 âm lịch thì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp mới khôi phục 100%. Song năm nay, hoạt động sản xuất rất nhộn nhịp, nhiều doanh nghiệp do áp lực của việc thực hiện đơn hàng nên đã khởi động hoạt động sản xuất từ ngày mùng 3, mùng 4 Tết âm lịch.

"Nhiều doanh nghiệp FDI do nhận đơn hàng nhiều nên đã huy động hàng chục ngàn công nhân bắt đầu sản xuất từ ngày mùng 3, mùng 4, với mức lương tăng gấp 2-3 lần", ông Bé cho biết.

Theo Chủ tịch HBA, năm nay do dịch bệnh nên chỉ khoảng 35% công nhân về quê ăn Tết, vì vậy doanh nghiệp cũng không gặp phải quá nhiều áp lực trong việc duy trì hoạt động sản xuất trong giai đoạn đầu năm.

"Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đã nhận đơn hàng đủ cho 6 tháng tới cả năm. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian tới của TP.HCM tăng lên từ 15-20%", ông Bé cho hay.

Nhìn nhận thời cơ đang đến, ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex, chia sẻ doanh nghiệp đặt mục tiêu nắm bắt tốt nhất thời cơ trong 4 tháng đầu năm 2022, bởi ngành sợi sẽ có những biến động, nhất là trong nửa cuối năm 2022. Do vậy, việc nắm bắt tốt cơ hội ngay khi bắt đầu năm mới sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu.

Có thể thấy bước vào năm mới 2022, doanh nghiệp đang đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng kinh doanh. Theo báo cáo về chỉ số Môi trường Kinh doanh quý IV/2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hơn một nửa (58%) lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022, tăng 8 điểm so với kỳ trước. Trong khi đó, chưa đến một phần năm (17%) dự đoán sự suy giảm - con số này gần như đã giảm một nửa kể từ kết quả BCI cuối cùng.

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ "bình thường mới" này. Do đó, 43% có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% vào 3 tháng trước. Tương tự, hơn một phần ba (38,5%) dự định tăng số lượng nhân viên của họ - một mức tăng khoảng 15% so với kỳ trước. Hơn một nửa (51,5%) số người tham gia khảo sát dự đoán tăng đơn đặt hàng và doanh thu, một mức tăng 7,5 điểm phần trăm so với quý III.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: “Những số liệu mới nhất này là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện nay khi đại dịch đã được kiểm soát trở lại cũng như theo định hướng rõ ràng của Chính phủ rằng chúng ta học cách sống chung với virus".

Cuộc đua phục hồi sau đại dịch

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 1/2022 cũng cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp đã khởi sắc trở lại khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Theo đó, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam của IHS Markit cũng chỉ ra trong tháng 1//2021, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó. Chỉ số này báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 4/2021. Cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ mạnh hơn do nhu cầu của khách hàng tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, các công ty cũng tin tưởng vào triển vọng sản xuất trong năm 2022, khoảng 60% số người được hỏi dự đoán sản lượng tăng, phản ánh mức độ lạc quan nhất trong hơn 3 năm qua.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch EuroCham cũng lưu ý, một số ngành vẫn có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch. Du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và là ngành tạo ra hàng triệu việc làm - vẫn bị hạn chế đối với các tour du lịch có hướng dẫn viên và điều này đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Do đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc mở cửa trở lại - ít nhất là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao - để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng lớn nhất của mình trong việc phục hồi nền kinh tế và thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Hay vẫn có những doanh nghiệp vẫn khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước, chia sẻ thời điểm này, Thuận Phước chưa dám ký thêm nhiều hợp đồng cho năm 2022, điều rất hiếm gặp trong nhiều năm kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nguyên nhân khiến ông Lĩnh thận trọng trong việc nhận đơn hàng là biến thể Omicron vẫn đang diễn biến phức tạp ở Mỹ, châu Âu cùng với giá cước vận tải biển leo thang. Công ty đang đàm phán mức giá an toàn, dự kiến tăng khoảng 20-30% so với giá thủy sản xuất khẩu năm 2021 để đảm bảo lợi nhuận và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các đối tác chỉ chấp nhận mức tăng tối đa 10-15% vì nhu cầu vẫn cao nhưng thu nhập của người dân giảm, họ không thể chấp nhận mức giá thực phẩm quá cao. Người mua cũng chưa sẵn sàng mở hầu bao để chấp nhận mức giá mới, trong khi người bán cũng không thể nào bán mức giá quá thấp vì giá nguyên liệu, giá cước đều tăng.

"Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán, thương thuyết để tránh việc doanh nghiệp phải rơi vào tình cảnh chưa làm đã lỗ", ông Lĩnh chia sẻ. 

Theo Vnbusiness


Chia sẻ trên

08/02/2022 | Tác giả: Thanh Sơn

Quy định mới xử phạt môi giới bất động sản, ‘cò đất’ hết cửa náo loạn

Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản (BĐS) mà mình môi giới bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng theo quy định mới vừa được Chính phủ ban hành.

11/02/2022 | Tác giả: Hạnh Nguyên

Đầu năm chém đẹp: Bát bún 100.000 đồng, cốc cà phê phụ thu 'VAT 100%'

Chuyện "hét giá", "chặt chém" như thành thông lệ vào dịp Tết. Năm nay, dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, song tình trạng này vẫn diễn ra khi một bát bún ốc có giá 100.000 đồng, hay cốc cà phê bị tính phí VAT 100%.

09/02/2022 | Tác giả: C.Giang

Giá bán 500 nghìn đồng/lá, đây là loại lá cây đắt đỏ nhất đầu năm mới

Với ý nghĩa mang lại bình an, may mắn, như bùa hộ mệnh,... lá bồ đề là mặt hàng cực kỳ hút khách dịp đầu năm mới, đặc biệt là dịp vía Thần Tài. Đây cũng là loại lá cây vô cùng đắt đỏ khi giá tới 0,5 triệu đồng/lá.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...