Độc đáo nghề săn cá leo cây vùng đất Mũi Cà Mau
23/11/2023 | Tác giả: Trần An Lượt xem: 355
Nhắc đến Cà Mau, đặc biệt là vùng rừng ngập mặn Mũi Cà Mau có một loài cá có thể chạy nhảy trên mặt nước, leo trèo được trên cây và sinh sống nhiều trong tự nhiên. Đối với người dân địa phương, loài cá này vô cùng quen thuộc nhưng với khách thập phương thì chúng vô cùng kỳ lạ, thu hút sự thích thú và tò mò.
Một loài cá "độc lạ"
Cá thòi lòi hay còn gọi là cá leo cây thường sinh sống dưới nước nhưng điểm khác biệt của loài cá này là chúng vừa nhanh nhẹn, có biệt tài chạy nhảy trên sình lầy, trên mặt nước, leo trèo lên cây cao và đào hang sâu rất giỏi.
Gọi là cá thòi lòi vì đặc điểm của loài cá này có hình thù kỳ dị, hai mắt lòi ra sinh sống được ở vùng nước mặn, nước lợ.
Cá thường sống dưới hang sâu ngập nước, bơi lội dưới sông, di chuyển trên bùn, chạy nhảy và kiếm mồi trên cạn, cá thòi lòi thở bằng phổi và mang, có thể trữ nước trong mang để hô hấp khi lên cạn, trao đổi khí qua da.
Trong các khu rừng ngập mặn, dưới các vũng bãi bồi là nơi trú ẩn hoàn hảo của cá. Cá thòi lòi biết đào hang trú ngụ, thông thường hang cá thường có nhiều ngóc ngách với nhiều miệng hang, với độ sâu trung bình từ 1- 2m.
Cá thường trú ẩn trong hang khi nước ròng và khi nước lớn lên là thời điểm chúng ra khỏi hang để kiếm ăn. Nhờ vào sự nhanh nhẹn của mình, chúng rất dễ dàng bay nhảy nhanh trước các mối nguy hiểm đe dọa.
Cá leo cây là món ăn, thực phẩm ưa chuộng của nhiều người bởi vị ngon không lẫn vào đâu được; là đặc sản mà du khách gần xa khi đến Cà Mau không thể bỏ qua, tìm đến và thưởng thức.
Theo chân người săn cá leo cây
Với sự tinh quái, nhanh nhẹn của mình, để bắt được chúng không phải là chuyện đơn giản. Chỉ có những người dân địa phương hiểu và nắm được đặc tính riêng của chúng mới tiếp cận và săn bắt được.
Để bắt được loài cá này, người dân ở vùng bãi bồi đã nghĩ ra cách đặt xà di trước cửa hang chờ khi chúng ra bên ngoài tìm kiếm thức ăn thì mắc bẫy (xà di là loại bẫy được người dân sáng chế ra để bắt cá thòi lòi).
Theo đó, xà di thường được làm bằng lưới hoặc lá dừa nước tạo thành một khối hình trụ tròn, ở giữa có tạo một cái hom, khi cá chui vào hom thì không thể nào chui được ra bên ngoài. Chờ khi thủy triều rút cạn, những bãi bồi lộ ra, người hành nghề bắt cá thòi lòi bắt đầu mon men theo những triền sông, cạnh những chang đước, mắm để tìm miệng hang cá để đặt xà di. Đến khi thuỷ triều lên ngập khỏi miệng hang, là thời điểm cá thòi lòi chui lên và kẹt lại trong xà di.
Ông Nguyễn Văn Bá (ngụ ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), với kinh nghiệm hơn 30 năm sống bằng nghề đặt xà di bắt cá thòi lòi, người am hiểu về đặc tính, tập quán của loài cá cho biết, để bắt được cá thòi lòi trước tiên phải là người có kinh nghiệm để khi nhìn hang là biết có cá ở hay không.
“Do đã nắm được đặc tính và thói quen của cá thòi lòi, hễ hang nào bóng loáng là chắc chắn có cá ở, rồi cứ thế mà đặt bẫy ở miệng hang, đến giờ đi thăm là dính cá. Có nhiều cách bắt cá thòi lòi, người thì thụt hang hoặc đặt xà di, với tôi, đặt xà di vừa nhàn nhưng rất hiệu quả. Hôm nào vô mánh cũng bắt được vài ký, kiếm được vài trăm nghìn”, ông Bá chia sẻ.
Ông Trần Minh Khải (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), là một trong những người thợ săn cá thòi lòi lâu năm chia sẻ, để bắt được cá thòi lòi, người làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, kinh nghiệm đi rừng. Thậm chí, có người phải lội sình hàng km để tìm hang đặt bẫy bắt cá.
“Cá thòi lòi chủ yếu sống ở những vùng có nhiều đầm lầy, ẩm ướt, nước thủy triều thường xuyên lên xuống. Mỗi khi nước rút cạn thì chúng ẩn mình trong hang sâu, đến khi nước lên là thời điểm cá thòi lòi chui ra ngoài để tìm kiếm thức ăn. Nhờ học hỏi được kinh nghiệm chỉ dạy cách nhận biết hang cá, việc đặt xà di như thế nào thì cá chui vào làm nhiều rồi nên bắt chúng rất dễ dàng”, ông Khải kể.
Ngoài việc đặt bằng xà di, để bắt cá thòi lòi, ngư dân vùng Đất Mũi Cà Mau thường thụt hang (đào hang) hay cắm câu vào ban ngày, soi đèn vào ban đêm. Cá thòi lòi khi bị soi đèn vào mắt sẽ bất động nên rất dễ bắt.
Đặc sản, thu hút khách du lịch
Cá thòi lòi thường có trọng lượng trung bình từ 100 – 200 gam. Tùy vào kích cỡ, cá thòi lòi được các vựa cá thu mua với giá từ 90.000 – 150.000 đồng/kg. Cá thòi lòi được bán nhiều ở các nhà hàng, trạm dừng chân, quán ăn tại địa phương, đặc biệt là các khu du lịch, trở thành món ăn ưa thích của nhiều người.
Ông Vũ Minh Thành, du khách đến từ TPHCM cho biết: “Mỗi dịp đến Cà Mau, ghé dừng chân tại các nhà hàng tôi thường hay gọi món cá thòi lòi nướng, vì chúng vừa ngon, giá lại rẻ và đặc biệt là thu hút sự hiếu kỳ cho tôi và gia đình. Khi về lại TPHCM, tôi thường mua vài kg để làm quà tặng cho người thân và bạn bè”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, du khách đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Trước khi chọn Mũi Cà Mau làm điểm tham quan du lịch của gia đình, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về món ăn ở đây, vui chơi những điểm nào. Nghe bạn bè đi về kể, đến Mũi Cà Mau mà không thưởng thức món cá leo cây thì thật đáng tiếc. Bởi thế, bữa ăn đầu tiên khi gia đình đặt chân tới vùng đất tận cùng của tổ quốc, tôi đã cùng gia đình thưởng thức món cá thòi lòi. Các món ăn chế biến từ cá thật sự rất ngon và đáng nhớ”.
Cá thòi lòi được đánh giá là một trong những sản vật đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Thịt cá thòi lòi săn chắc, dai ngon và ngọt nên được nhiều người ưa chuộng. Cá được chế biến thành nhiều món ăn như: nấu mẻ, kho tộ, làm khô và ngon nhất là nướng muối ớt.
Nhiều nhà hàng, trạm dừng chân xem các món ăn chế biến từ cá thòi lòi là món ăn chủ đạo của nhà hành để giới thiệu đến khách du lịch và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của du khách và người dân địa phương
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển cho biết, cá thòi lòi ở huyện Ngọc Hiển nói riêng và của tỉnh Cà Mau nói chung, chúng không chỉ là loài cá đặc trưng riêng của vùng đất, mà còn là điểm nhấn của nét văn hoá ẩm thực độc đáo của vùng tận cùng tổ quốc, du khách đến đây thường chọn các món ăn được chế biến từ cá thòi lòi để thưởng thức và đọng lại trong họ những ký ức khó quên về món cá đặc biệt này.
“Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có rất nhiều hộ làm nghề săn cá thòi lòi và chế biến làm khô để làm quà biếu tặng. Nghề săn bắt cá thòi lòi đã trở thành một công việc đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, việc khai thác kết hợp với bảo tồn nguồn lợi tự nhiên luôn được chính quyền địa phương và người dân Cà Mau chú trọng để ổn định đời sống người dân và môi trường sinh thái”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo báo Công lý
https://congly.vn/doc-dao-nghe-san-ca-leo-cay-vung-dat-mui-ca-mau-404691.html