Đổi tiền lẻ, tiền mới 'ăn' chênh lệch có bị phạt không?
23/01/2024 | Tác giả: Hà Ly Lượt xem: 315
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết để ăn chênh lệch, tính phí... được coi là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân và tăng hình phạt gấp đôi đối với các tổ chức vi phạm.
Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới tăng cao để người dân đi lễ chùa, mừng tuổi năm mới. Nắm bắt nhu cầu này, trên mạng xã hội những năm qua nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới ăn chênh lệch.
Khảo sát trên mạng xã hội, mức phí đổi tiền lẻ dao động từ 3-20% tùy mệnh giá. Cụ thể, phí đổi tiền lẻ có mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng thường là là 20%; mệnh giá tiền 5.000 đồng mất phí 12%; tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 tính phí 5%; tiền 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 3-5%...
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, nhiều trang mạng còn quảng cáo đổi cả đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu, đổi tiền mới, tiền lẻ và rao đổi tiền trên mạng internet trong những ngày tới, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời việc thu đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng chênh lệch.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, chỉ có NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Cùng quan điểm, đại diện NHNN Việt Nam cho hay, từ nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao, NHNN luôn chỉ đạo hệ thống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Do đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Không chỉ vi phạm pháp luật, dịch vụ đổi tiền lấy phí vì còn nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...
Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ (Nghị định số 88) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định này quy định rõ, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88 thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đây là mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm.
Còn tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88 quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng xử phạt hành chính từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Theo báo Người Đưa Tin
https://antt.nguoiduatin.vn/doi-tien-le-tien-moi-an-chenh-lech-co-bi-phat-khong-8641.html