Đông Nam Bộ: Tăng đầu tư đổi mới công nghệ để tạo bước đột phá kinh tế theo hướng hiện đại

Đông Nam Bộ: Tăng đầu tư đổi mới công nghệ để tạo bước đột phá kinh tế theo hướng hiện đại

22/11/2023 | Tác giả: Thanh Minh Lượt xem: 291


Vùng Đông Nam Bộ cần phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đông Nam Bộ: Tăng đầu tư đổi mới công nghệ để tạo bước đột phá kinh tế theo hướng hiện đại

Chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của Vùng

Ngày 17/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XVI, năm 2023.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2019-2023, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 154 ngày 23/11/2022 của Chính phủ.

Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh: Vùng Đông Nam Bộ là Vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực phía Nam.

Năm 2022, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước. Tốc độ tăng trưởng và tổng sản phẩm của vùng luôn ở mức cao nhất. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.

Trong đó, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm. Sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Mặc dù có những đóng góp như vậy, nhưng Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: Trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những kết quả đạt được trong hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng của Vùng Đông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn chủ yếu dựa vào sự mở rộng và thu hút đầu tư nước ngoài, lao động, tài nguyên và các cơ chế ưu đãi về thuế, chính sách thu hút đầu tư... Điều đó sẽ không thể tiếp tục trong tương lai để giúp kinh tế Việt Nam tiến nhanh hơn, bền vững hơn.

Đại biểu tham dự hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, cần thiết phải tổng kết, đánh giá và nhìn nhận lại khoa học và công nghệ đã thực sự là động lực, là nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội cũng như sự đồng bộ giữa pháp luật và thực thi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ. Cần thiết hơn nữa là có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội. Đặc biệt là từ doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp, nơi chuyển hóa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa; tăng cường liên kết viện - trường và doanh nghiệp...

Tạo bước đột phá phát triển kinh tế theo hướng hiện đại

Tại hội nghị, ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu còn tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai các hoạt động này của vùng giai đoạn 2019-2023. Đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế ở từng địa phương cũng như của cả vùng.

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, nhiều năm qua các hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ luôn được lãnh đạo tỉnh chú trọng, quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện. Tỉnh cũng tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội để khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư.

Kết quả, thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt, việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới ứng dụng công nghệ trong xây dựng, y tế và các ngành dịch vụ… Theo đó, tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt khoảng 485 nghìn tỷ đồng, gấp 124 lần so với năm 1997, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022); số thu ngân sách năm 2023 ước đạt 72.257 tỷ đồng, tăng gấp 89 lần so với năm 1997, điều tiết 67% ngân sách về Trung ương (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội)…

Để tạo bước đột phá tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh bền vững, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh tiếp tục quan tâm, ban hành thêm chính sách hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động đổi mới sáng tạo…

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở Khoa học và Công nghệ Vùng Đông Nam Bộ

“Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết nội vùng nói riêng và cả nước nói chung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội... nhằm tạo động lực thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế vùng” - ông Nguyễn Lộc Hà bày tỏ.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của các địa phương trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, ông Lê Xuân Định yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tham mưu đề xuất cho lãnh đạo bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ.

Dịp này đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở Khoa học và Công nghệ Vùng Đông Nam bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ; diễn ra nghi thức chuyển giao địa điểm giao ban vùng năm 2025 cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước.

Theo Báo Công Thương 

https://congthuong.vn/dong-nam-bo-tang-dau-tu-doi-moi-cong-nghe-de-tao-buoc-dot-pha-kinh-te-theo-huong-hien-dai-286315.html 


Chia sẻ trên

22/11/2023 | Tác giả: Thiên Lý

Bình Dương tìm giải pháp, công nghệ tiến bộ xử lí chất thải công nghiệp

Hôm nay (22/11), tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới Bình Dương (WTC Expo), Tổng Công ty Becamex IDC cùng RX Tradex Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sự kiện thiết bị và giải pháp xử lí chất thải-công nghệ tái chế bảo vệ môi trường.

22/11/2023 | Tác giả: Nguyễn Nam

48 giờ ở Bình Dương

Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp mà còn là nơi có nhiều điểm tham quan, vui chơi đẹp ít người biết.

22/11/2023 | Tác giả: Phương Chi

Bình Dương hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ

Chiều 9/6, tại Thành phố mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố giải pháp ứng dụng thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh và ký kết hợp tác chiến lược.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...