Giá cà phê lập mức đỉnh mới trong hơn 13 năm
20/11/2024 | Tác giả: PV Lượt xem: 95
Giá Arabica đã tăng vọt gần 12% lên hơn 6.200 USD/tấn, là mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong gần 8 tháng qua, đồng thời thiết lập mức đỉnh mới trong hơn 13 năm.
Trong tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, cà phê và ca cao thu hút sự chú ý đặc biệt khi có mức tăng đột biến.
Trên thị trường cà phê, giá Arabica đã tăng vọt gần 12% lên hơn 6.200 USD/tấn, là mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong gần 8 tháng qua, đồng thời thiết lập mức đỉnh mới trong hơn 13 năm. Giá cà phê Robusta cũng tăng hơn 9% lên gần 4.800 USD/tấn, là tuần tăng thứ hai liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng một tháng.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với phần thắng thuộc về ông Donald Trump đã tạo kỳ vọng tích cực về thị trường tài chính cũng như kinh tế Mỹ. Điều này khiến giới đầu cơ dịch chuyển dòng tiền từ các thị trường có tính trú ẩn cao như kim loại quý sang các thị trường có tính đầu cơ sinh lời cao như cà phê. Đây là nguyên nhân chính hỗ trợ giá cà phê tăng mạnh.
Bên cạnh yếu tố tài chính, thông tin cơ bản về cung - cầu trên thị trường cũng có những chuyển biến mới, góp phần thúc đẩy giá cà phê tăng trong tuần qua. Tại Brazil, mặc dù mưa đã trở lại từ tháng 10 nhưng lượng mưa thấp hơn mức trung bình lịch sử, khiến giới phân tích lo ngại mùa vụ cà phê 2024-2025 sẽ không thể phục hồi hoàn toàn sau những thiệt hại từ đợt nắng nóng kỷ lục trong giai đoạn ra hoa quan trọng.
Hãng tư vấn StoneX dự đoán sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2024-2025 giảm 0,4% so với vụ hiện tại, chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica dưới ảnh hưởng từ khô hạn. Theo đó, sản lượng cà phê Arabica vụ tới của quốc gia Nam Mỹ giảm 10,5% so với vụ trước, về còn 40 triệu bao loại 60 kg.
Tại Việt Nam, lo ngại về thời tiết xuất phát từ dự báo La Nina sẽ bắt đầu hoạt động trong những tháng cuối năm nay tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất nước ta. La Nina có thể gây tình trạng mưa lũ nhiều hơn bình thường, làm gián đoạn hoạt động thu hoạch cà phê của nông dân.
Đáng chú ý, sau cuộc họp 2 ngày diễn ra vào 13-14/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua việc hoãn thời gian thi hành Quy định chống phá rừng EUDR thêm 12 tháng, giống như đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu (EC). EP cũng tìm cách giảm bớt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò và đậu nành liên quan đến nạn phá rừng. Việc hoãn thời điểm bắt đầu thi hành EUDR được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng đẩy mạnh mua vào cà phê của các nước nhập khẩu chính tại châu Âu như thời gian qua, khiến giá điều chỉnh nhẹ vào phiên cuối tuần.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (18/11), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 112.800-113.400 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200-61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 45.000 đồng/kg so với mức 67.500-68.400 đồng/kg.
Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp tuần qua là giá ca cao tăng đột biến gần 22% lên hơn 8.500 USD/tấn, là mức tăng hàng tuần lớn thứ hai trong 44 năm qua. Bên cạnh hỗ trợ từ sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường, lo ngại về khả năng cung ứng ca cao tại Bờ Biển Ngà đã đẩy giá tăng.
Được biết, doanh số bán hợp đồng xuất khẩu ca cao cho niên vụ 2024-2025 của quốc gia này đã giảm 40% do điều kiện thời tiết xấu gây lo ngại về sản xuất. Việc chậm lại các hợp đồng xuất khẩu có thể gây lo ngại về lượng ca cao cập cảng giai đoạn tháng 1-3/2025. Hiện lượng ca cao cập cảng trong tháng 10 và tháng 11 đều tăng cao, do đó sẽ tiềm ẩn rủi ro cho một đợt giảm mạnh vào tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/gia-ca-phe-lap-muc-dinh-moi-trong-hon-13-nam-20241118135752506.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn