Dự án VnSAT mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội
11/07/2024 | Tác giả: Thúy Liễu Lượt xem: 128
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng) triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 và hoàn thành dự án năm 2023. Dự án triển khai tại 30 xã, thuộc 6 huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên, với diện tích áp dụng canh tác lúa thông minh trong vùng dự án là 38.270ha. Dự án hoàn thành đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng k
Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã đem lại hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh và nông dân trồng lúa vùng dự án. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân sử dụng giống lúa thơm, đặc sản 82%, trước dự án 50,5%; năng suất lúa bình quân 6,55 tấn/ha, tăng 0,91% so trước dự án; chi phí 16 triệu đồng/ha, so với trước dự án 17,8 triệu đồng/ha; lợi nhuận 28,5 triệu đồng/ha, tăng 22,6 triệu đồng/ha so với trước dự án. Hiệu quả xã hội và môi trường của dự án là đã góp phần tăng cường liên kết sản xuất giữa các nông hộ theo mô hình hợp tác xã, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, có hiệu quả hơn. Diện tích trồng lúa không đốt rơm rạ trong mùa khô trên 95%, giảm trên 50% so với trước dự án; hệ sinh thái động vật thủy sinh vùng dự án đã được phục hồi đáng kể; nông dân áp dụng thành công kỹ thuật canh tác lúa bền vững, không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho nông hộ, mà còn góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác so với phương pháp canh tác truyền thống trước dự án.
Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú thông tin, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng bắt đầu triển khai trên địa bàn huyện năm 2016, tại các xã: Long Phú, Tân Hưng, Long Đức và thị trấn Long Phú, với diện tích 6.000ha. Trong giai đoạn dự án triển khai đã giúp nông dân tiếp cận nâng cao nhận thức, áp dụng hiệu quả quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và sử dụng giống cấp xác nhận để sản xuất; giảm lượng giống gieo sạ (từ 20 - 25kg còn 8 - 10kg/1.000m2); giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức nhà kho tạm trữ 1.000 tấn; thiết bị sấy lúa; máy cuốn rơm; thiết bị tách hạt. Về cơ sở hạ tầng, dự án cũng đã hỗ trợ xã Long Đức làm đường giao thông nông thôn từ hợp tác xã kết nối với các tuyến đường của xã, có chiều dài hơn 1,2km, rộng từ 3 - 3,5m, tải trọng trục xe 2,5 tấn; cầu An Đinh Hưng dài 12m, rộng 4m. Từ hỗ trợ của Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, hầu hết nông dân vùng dự án đều đã nắm vững kỹ thuật canh tác lúa; nhiều hợp tác xã sản xuất lúa trong vùng dự án được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; đồng thời, cầu và đường giao thông được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hợp tác xã và người dân trên địa bàn xã Long Đức…
Còn tại huyện Mỹ Tú, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã có tác động mạnh mẽ đến các chủ trương, chính sách, triển khai có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện và tác động tích cực đến nhận thức của nông dân, giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. “Những thành công này của dự án là mô hình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nó là mô hình sẽ được nhân rộng ra các vùng khác trên toàn huyện, nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian tới theo hướng nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã, hộ nông dân tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Nội dung tập huấn linh hoạt, phù hợp thực tế từng địa phương; thời gian tập huấn chia thành nhiều đợt, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Nông dân trong vùng dự án được tạo điều kiện thao tác thực hành thực tế trên đồng ruộng và trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa tiên tiến, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa…”, đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin.
Có thể nói, những kết quả Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đem lại cho địa phương và nông dân vùng dự án đã góp phần cụ thể hóa việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao hiệu quả canh tác lúa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, thân thiện môi trường và hiệu quả bền vững.
Theo Báo Sóc Trăng
https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/du-an-vnsat-mang-lai-hieu-qua-cao-ve-kinh-te-xa-hoi-70304.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn