Đủ kiểu giăng bẫy lừa đảo tài chính (*): Cảnh báo liên tục, vẫn sập bẫy
18/01/2024 | Tác giả: THÁI PHƯƠNG - LÊ TỈNH Lượt xem: 288
Bẫy lừa xuất hiện với đủ hình thức, từ giả mạo cơ quan nhà nước để hù dọa nạn nhân đến dụ tham gia sàn ngoại hối, ứng dụng đầu tư sinh lời cao...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 17-1, hàng trăm nhà đầu tư tham gia các ứng dụng (app) tài chính như VN-Temu, EASY Tour VN... vẫn tiếp tục đến cơ quan công an để tố cáo các nền tảng này lừa đảo. Số tiền bị mất của các nạn nhân lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Từ đầu tư vài chục ngàn đồng...
Các app tài chính lừa đảo thường hoạt động theo hình thức huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước và cam kết trả lãi rất cao. Thời gian đầu, người chơi được trả lãi đầy đủ nên tin tưởng và có động lực mời gọi thêm thành viên để hưởng tiền hoa hồng. Từ vài chục ngàn đồng vốn ban đầu, người chơi bị kích thích bỏ tiền vào ngày càng nhiều.
VN-Temu được giới thiệu là dự án cung ứng hàng hóa của Tập đoàn TEMU trên nền tảng trực tuyến xuyên biên giới nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án hoạt động ngay tại Việt Nam. Còn EASY Tour VN được quảng bá có hoạt động đầu tư vào du thuyền và đã bất ngờ bị sập sau khi ôm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng tiền đầu tư của rất nhiều thành viên.
Đáng chú ý, ngay sau khi VN-Temu, EASY Tour VN bị sập, hàng loạt app tài chính khác tiếp tục ra đời, lôi kéo nhà đầu tư từng bị lừa vào để gỡ gạc số tiền đã mất, như KATO, VN-DBX...
Bên cạnh dụ dỗ tham gia app tài chính, nhiều đối tượng còn lừa người chơi bỏ tiền vào các sàn giao dịch ngoại hối. Anh N.T.L (nhân viên văn phòng ở TP HCM), nạn nhân bị lừa qua sàn ngoại hối, kể được một người gọi điện giới thiệu, hướng dẫn cách đăng ký đầu tư trên sàn Forex và tham gia nhóm Telegram. Hoa mắt trước những thông tin về cơ hội đầu tư "khó có thể bỏ qua", anh L. quyết định nộp 5 triệu đồng và đã liên tục nhận tiền lời gấp 2 - 3 lần số vốn. Thấy hấp dẫn, anh đầu tư thêm 120 triệu đồng rồi tiếp tục thêm 100 triệu đồng nữa.
"Chưa đầy 1 ngày sau đó, tài khoản của tôi chia đôi, màn hình đỏ rực do giảm điểm một cách bất thường. Nhận ra mình đã bị lừa khi đầu tư qua app không hợp pháp, tôi vội thực hiện lệnh rút tiền nhưng không được" - anh L. bức xúc.
Hơn 2 tuần sau khi nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an, chị N.T.H (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn như "ngồi trên đống lửa" vì khoản tiền gần 2 tỉ đồng đổ vào sàn ngoại hối "không cánh mà bay". Trước đó, chị được người quen giới thiệu tham gia đầu tư thông qua app của một công ty tài chính trụ sở tại quận 1, TP HCM. Sau khi tải app, chị bắt đầu giao dịch mua bán cổ phiếu quốc tế với khoản tiền nhỏ. Lợi nhuận tăng nhanh chóng, chị như thiêu thân lao vào đầu tư hàng trăm triệu đồng rồi đến hàng tỉ đồng. "Khi bị thua lỗ, nhân viên môi giới khuyến khích tôi nộp thêm tiền càng nhiều càng tốt để gỡ lại phần đã mất. Nếu không, số tiền đã đầu tư sẽ không được rút ra" - chị H. phản ánh.
Cần quy trình cấp phép app chặt chẽ
Gần đây, các ngân hàng, công ty tài chính liên tục cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo trên môi trường mạng, song vẫn có không ít người tin vào những mô hình "việc nhẹ lương cao" để rồi sập bẫy.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin ít ngày trước, bà N.T.U (tỉnh Quảng Trị) cầm sổ tiết kiệm đến Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ làm thủ tục tất toán để chuyển toàn bộ số tiền vào một tài khoản có tên B.Đ.T. Sổ tiết kiệm của bà U. chỉ còn 9 ngày nữa là đến thời điểm đáo hạn nên giao dịch viên tư vấn bà không nên rút tiền trước hạn, mà có thể cầm cố sổ để vay vốn. Tuy nhiên, bà U. vẫn nhất quyết rút tiền gấp. Nghi ngờ có bất thường, giao dịch viên ký và trả biên lai chuyển tiền nhưng chưa thực hiện lệnh chuyển. Sau đó, ngân hàng này đã tìm hiểu và biết bà U. nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng cán bộ công an tỉnh, báo rằng sổ tiết kiệm của bà đang gửi tại ngân hàng có ăn tiền hoa hồng trái quy định và sẽ bị điều tra, khởi tố.
Một chi nhánh khác của Agribank tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cũng vừa kịp thời ngăn chặn một vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Trước đó, khách hàng quen một đối tượng trên mạng xã hội Facebook và được đối tượng này yêu cầu chuyển tiền để nhận quà.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, nhận định với sự phát triển của công nghệ, tình trạng lừa đảo qua các app đầu tư sinh lời cao tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, rất khó kiểm soát. Việc lấy lại khoản tiền bị lừa của nạn nhân là rất khó bởi tài khoản nhận tiền thường là giả mạo hoặc ở nước ngoài. Do đó, cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình cấp phép cho website, app một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao hiểu biết về đầu tư tài chính, tìm hiểu các dấu hiệu lừa đảo và báo cáo đến cơ quan chức năng.
Ông Phạm Đình Thắng, chuyên gia bảo mật, cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường là tiếp cận nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của họ trên mạng xã hội hoặc khi họ để lại thông tin trên một website nào đó. Tiếp đến, các đối tượng xây dựng kịch bản thao túng tâm lý khiến nạn nhân đi từ nghi ngờ đến tin tưởng rồi sau đó rơi vào bẫy.
Theo Báo Người Lao Động
https://nld.com.vn/du-kieu-giang-bay-lua-dao-tai-chinh-canh-bao-lien-tuc-van-sap-bay-196240117214156925.htm