Gạo Việt dần vắng bóng tại thị trường Trung Quốc

Gạo Việt dần vắng bóng tại thị trường Trung Quốc

14/02/2023 | Tác giả: Admin Lượt xem: 457


Xuất khẩu gạo năm 2022 đạt hơn 7,1 triệu tấn, thu về 3,45 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, khách hàng lớn nhất của gạo Việt vẫn là Philippines, còn tại thị trường Trung Quốc gạo Việt dần vắng bóng.

Gạo Việt dần vắng bóng tại thị trường Trung Quốc
Ảnh minh họa

Thị phần gạo Việt thu hẹp dần tại Trung Quốc

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó, 90% là gạo thường, gạo phổ thông; gạo cao cấp chỉ vài %.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, nước ta sản xuất 43-44 triệu tấn lúa, tương đương 22-23 triệu tấn gạo. Lượng gạo này để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam có sự xoay chuyển. Năm 2012, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu, với kim ngạch 898 triệu USD, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo.

Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc giai đoạn 2012-2016 duy trì tương đối ổn định, biên độ tăng giảm không quá mạnh. Đến năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến, đạt 1,026 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

Nhưng ngay sau đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bất ngờ lao dốc, chỉ đạt khoảng 640 triệu USD vào năm 2018. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt. 

Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm còn 240,3 triệu USD. Gạo Việt gần như mất thị phần tại thị trường tỷ dân. Với con số này, Trung Quốc từ vị trí thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam rơi xuống vị trí số 3, sau Philippines (884 triệu USD) và Bờ Biển Ngà (252 triệu USD).

Lý do phần lớn là bởi Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Đồng thời, thị trường này cũng thay đổi đáng kể các quy định về nhập khẩu gạo, kể cả quy định thuế quan, kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. 

Hải quan Trung Quốc thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nỗ lực đa dạng hóa thương mại.

Chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc mới chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam chứ không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng Nhân dân tệ mất giá.

Sau cú sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này dần phục hồi, lần lượt ở mức 463 triệu USD và 522 triệu USD. 

Năm 2022, theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 432,3 triệu USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. 10 tháng năm 2022, thị phần gạo Việt Nam tại Trung Quốc chỉ chiếm gần 13% - con số ngày càng teo tóp.

Khó đăng ký xuất hàng sang Trung Quốc

Về chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng việc chiếm lĩnh, mở rộng thị trường mới là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó, phải đảm bảo giữ được những thị trường truyền thống; trong đó có thị trường Trung Quốc.

Tại diễn đàn kết nối cung cầu ngành lúa gạo mới đây, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Thực tế, xuất khẩu gạo Campuchia sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng khá mạnh trong vài năm gần đây.

Trong khi đó, Việt Nam mới có 22 doanh nghiệp được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, với hạn ngạch nhất định, theo nghị định thư ký giữa hai nước năm 2016. Hải quan Trung Quốc có thể truy xuất sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép, không có cơ hội gian dối. “Chúng ta đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp”, ông Hoà cho hay.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh tình trạng khó đăng ký xuất khẩu gạo sang thị trường 1,4 tỷ dân tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc”, ngày 10/2. 

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho hay, thời gian qua, Trung Quốc thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo Lệnh 248, 249. 

Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP. Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện theo các bước, nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.

Trước đó, ông La Vân Phi - CEO một DN xuất khẩu gạo lớn, cho rằng, muốn xuất khẩu được nhiều sản phẩm vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần phải có kinh nghiệm và hiểu rõ nhu cầu của đối tác. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, tránh việc đưa hàng lên biên giới lại phải quay đầu, rất tốn kém. Khi đàm phán, cũng cần chuẩn bị hồ sơ chào hàng theo nhu cầu của đối tác, khả năng thành công sẽ lớn hơn.

Ngoài ra, ông Phi lưu ý, các DN cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm gạo theo từng phân khúc khác nhau. Sau đó, liên kết với nông dân để tạo ra chuỗi sản xuất lúa gạo, đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Tức chúng ta sẽ sản xuất và bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà mình sẵn có.

Chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, để xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, Mỹ mất tới 12 năm đàm phán, Campuchia cũng trải qua một quá trình dài mới xuất khẩu thành công vào thị trường này. Việt Nam có sẵn lợi thế xuất khẩu gạo chính ngạch, quãng đường đưa gạo sang Trung Quốc khá gần, chi phí vận chuyển rẻ hơn đi châu Phi hay các thị trường khác. Rõ ràng, đây là thị trường lớn và tiềm năng, các doanh nghiệp gạo Việt Nam không nên bỏ qua.

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/gao-viet-dan-vang-bong-tai-thi-truong-trung-quoc-2109349.html


Chia sẻ trên

10/02/2023 | Tác giả:

6 cách giúp kết hợp vận động vào thói quen hàng ngày

Ngoài việc dành thời gian đi tới phòng tập, một số thay đổi trong thói quen hàng ngày cũng giúp cơ thể bạn được vận động, di chuyển nhiều hơn.

14/02/2023 | Tác giả:

Loại trái cây nhập khẩu sang chảnh ồ ạt về chợ Việt, giá rẻ hiếm thấy

Được ví là loại trái cây nhập khẩu sang chảnh vì có giá bán khá đắt đỏ, nhưng những ngày này quả cherry ồ ạt về chợ Việt bán với giá rẻ hiếm thấy.

09/02/2023 | Tác giả:

Xuất khẩu gạo giảm mạnh tháng đầu năm

Tháng 1, xuất khẩu gạo ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...