Gặp khó trong xây dựng nông thôn mới
12/07/2024 | Tác giả: Mỹ Hoa Lượt xem: 155
Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt thấp. Nhiều địa phương gặp khó trên hành trình về đích NTM, NTM nâng cao.
Theo Quyết định 712 ngày 4/7/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 31 xã NTM, 53 xã đạt NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh chỉ có 7/31 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 6/53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và chưa có xã đạt NTM kiểu mẫu.
Loay hoay về đích
Theo kế hoạch, xã Tịnh Giang và xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) về đích xã NTM nâng cao năm 2022, nhưng đến thời điểm này, hai địa phương vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Nguyên nhân một phần do các tiêu chí NTM nâng cao dù đã hoàn thành, nhưng chỉ đạt ở mức tối thiểu nên không bền vững, nhất là nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Đông cho biết, từ cuối năm 2022, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí mới, trong đó quy định các địa phương không được nợ tiêu chí, tức là tất cả các tiêu chí phải hoàn thiện (trong khi giai đoạn trước năm 2021 là các công trình chỉ cần khởi công hoặc có phương án xây dựng đã được tính đạt).
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là nhóm công trình nhà văn hóa, trường học, sân vận động trung tâm... cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của cấp trên và đấu giá quyền sử dụng đất ở. Vì vậy, dù tỉnh đã phân bổ kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng/xã, nhưng một số tiêu chí NTM nâng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến xã Tịnh Giang, Tịnh Bắc nói riêng và các xã NTM trên địa bàn huyện nói chung gặp khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ rớt chuẩn vì không thể thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, duy trì tiêu chí NTM.
Đối với đơn vị cấp huyện, Mộ Đức đang gặp khó trên hành trình về đích NTM, bởi đến thời điểm này huyện vẫn còn 3/9 tiêu chí chưa đạt (tương ứng với 4/36 chỉ tiêu). Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, nguồn lực hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu của nhóm tiêu chí giao thông, thủy lợi chưa đạt. Cùng với đó, địa phương bị động trong quá trình thực hiện một số chỉ tiêu “mềm”.
Đơn cử như chỉ tiêu 7.3 về mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên. Huyện lựa chọn mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp của Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, nhưng đơn vị này không phối hợp thực hiện, nên không lập hồ sơ minh chứng.
Hay như thực hiện chỉ tiêu 7.4 về công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp, dù trên địa bàn huyện đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải của khu dân cư và dịch vụ Thi Phổ, nhưng vì công trình này được đầu tư từ 100% vốn doanh nghiệp (trong khi yêu cầu tiêu chí NTM là sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Hiện nay, huyện Mộ Đức khẩn trương lựa chọn mô hình và lập hồ sơ minh chứng, gắn với đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trình xử lý nước thải cho Khu dân cư Vườn Quán, ở xã Đức Thạnh, để sớm hoàn thành chỉ tiêu 7.3 và 7.4.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Thực hiện Thông báo 3815 ngày 28/5/2024 của Bộ NN&PTNT về việc điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình NTM, giai đoạn 2021 - 2025, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh điều chỉnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quyết định 712. Cụ thể, đến năm 2025, dự kiến toàn tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 21 xã đạt chuẩn NTM; 35 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 70 thôn (thuộc các xã miền núi) đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2024, tỉnh phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã và 35 thôn thuộc các xã miền núi đạt chuẩn NTM.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu, kế hoạch nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cũng như tiến độ thực hiện chương trình NTM. Vì vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn lực tương xứng, cũng như tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương đăng ký về đích NTM năm 2024 - 2025. Trong đó, quan tâm thực hiện việc cung ứng xi măng, cũng như cơ chế sử dụng nguồn khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình NTM nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đã được bố trí.
Tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2024 là 554,2 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển 455,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 98,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/5/2024, chỉ giải ngân trên 71,7 tỷ đồng (13%), trong đó vốn đầu tư trên 54,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 6 tỷ đồng... Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các tiêu chí NTM. Các sở, ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ trong việc thực hiện, đánh giá và lập hồ sơ minh chứng đối với từng tiêu chí đảm bảo kịp thời, chất lượng, đúng kế hoạch.
Theo Báo Quảng Ngãi
https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/gap-kho-trong-xay-dung-nong-thon-moi-554116c/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn