Gia Lai Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tái đàn heo nhằm tăng nguồn cung cho thị trường
23/07/2022 | Tác giả: Phạm Hoàng Lượt xem: 387
Với phương châm "đất tốt, vườn xanh, nhà nông khỏe mạnh", nhiều bà con người Ba Na rủ nhau trồng cà phê sạch. Nhờ vậy, bà con không phải lo cảnh mất mùa, nông sản bán ra lại được giá.
Từ nhiều năm trước, bà con đồng bào dân tộc Ba Na ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai) trồng cà phê với hình thức lạc hậu, khi ít sử dụng phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Chính vì vậy mà năng suất cà phê mỗi vụ chỉ đủ tiền mua vài bao lúa, cảnh thiếu đói trong mùa giáp hạt xảy ra liên miên. Cây cà phê lại gặp cảnh "được mùa, mất giá", đầu ra bấp bênh nên bà con càng khó khăn.
Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề nên phương pháp trồng và chăm sóc cà phê của bà con người bản địa ngày được cải thiện. Nhiều bà con đồng bào Ba Na rủ nhau bắt tay với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn để cùng làm cà phê sạch theo dạng quy mô, tập trung và có đầu ra rõ ràng.
Theo đó, bà con đồng bào cùng cam kết sẽ sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ - chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Phương pháp sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ là toàn bộ quy trình sản xuất thay đổi hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học được giảm thiểu và chỉ sử dụng ở thời điểm nhất định theo quy trình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng lượng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại. Với hướng đi này, người nông dân vừa bớt lo cảnh mất mùa mà còn bán được cà phê tươi với giá cao, đạt 8.500-10.000 đồng/kg.
Chính sự thay đổi tư duy canh tác này đã giúp nông dân cắt giảm được lượng phân bón học từ 30% đến 50% ngay từ vụ mùa năm 2018-2019 và không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học và trừ nấm bệnh hóa học.
Theo ông Uê (xã Glar, huyện Đăk Đoa), trong khi bà con làm cà phê truyền thống than phiền mất mùa, vườn cà phê của gia đình vẫn đạt năng suất, thậm chí còn tăng so với năm ngoái.
"Vụ mùa vừa rồi, tôi đã sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây cà phê trên diện tích 1 ha. Nhờ vậy, gia đình không chỉ bán được cà phê tươi với giá cao mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí phân bón, công làm cỏ, xịt cỏ… Đặc biệt, có thể tận dụng tối đa những phụ phẩm như bơ, đậu nành, chuối để ủ làm phân bón cho cây trồng. Với phương pháp này, cà phê bán được giá hơn hẳn. Đồng thời, người dân cũng không phải lo đầu ra vì được bao tiêu", ông Uê cho biết.
Nhờ thay đổi tư duy canh tác cây cà phê từ truyền thống thành sản xuất cà phê sạch với phân bón hữu cơ, gia đình ông Uê đã thu về 8 tấn nhân cà phê trên diện tích 2 ha. Trước đó, 2 ha cà phê này của gia đình ông Uê chỉ thu về khoảng 4 tấn.
Tương tự, anh Xuân (sinh năm 1986, cùng trú tại xã Glar) phấn khởi cho biết năm 2018, gia đình anh có sản xuất 1,5 ha cà phê 20 năm tuổi theo chứng nhận UTZ. Sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ giúp tạo ra sản phẩm cà phê sạch hơn, sức khỏe người trồng và môi trường được đảm bảo nhờ giảm các chất hóa học độc hại. Với hướng đi này, những năm qua, năng suất vườn cây đã tăng cao, gấp nhiều lần so với chăm sóc cà phê theo hướng truyền thống".
"Nhằm nâng cao giá cả, năng suất cũng như tuổi thọ của cây, cuối năm 2020, gia đình tôi tiếp tục ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây cà phê với diện tích trên. Nhờ vậy đã hạn chế tối đa lượng phân hóa học, hạt cà phê cũng giảm thiểu được hóa chất nên vụ mùa vừa rồi tôi đã bán 1,5 tấn cà phê tươi với giá 10.700 đồng/kg. Năng suất vụ mùa 2021 đạt trên 5 tấn nhân", anh Xuân chia sẻ.
Ông Lê Hữu Anh - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh - cho biết: Việc lạm dụng hóa chất và phân bón hóa học trong canh tác để tăng năng suất tối đa cho cây trồng làm cho đất đai bị thoái hóa, sâu bệnh hại, chi phí sản xuất tăng cao, sức khỏe người lao động bị ảnh hưởng… Khi bà con chuyển hướng sử dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác, những vườn cà phê phát triển tốt tươi thấy rõ.
Những hộ nông dân tiên phong tham gia vào mô hình đều có sự tuân thủ nghiêm túc về quy trình, tập trung vào canh tác nên đem lại kết quả cao. Đồng thời, họ còn là những hình mẫu cho việc nhân rộng mô hình vào niên vụ canh tác cà phê năm 2022 trên địa bàn.
Ông Bùi Quang Thoại - Phó chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đăk Đoa) - chia sẻ: Nhiều năm nay, các hộ dân đồng bào người Ba Na ở xã đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, HTX để thực hiện trồng và chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, năng suất và giá thành của vườn cà phê của bà con luôn tăng theo từng năm và chủ động về đầu ra, do được các đơn vị bao tiêu sản phẩm.
"Về việc chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, chính quyền xã hàng năm đều phối hợp với phòng nông nghiệp để mở các lớp tập huấn nhằm giúp đỡ bà con đang thực hiện mô hình. Đồng thời, xây dựng các vườn trình diễn để ngày càng nhiều bà con thấy được hiệu quả về năng suất và giá thành để làm theo", ông Thoại cho biết thêm.
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nguoi-ba-na-ru-nhau-trong-ca-phe-sach-thu-lai-lon-moi-vu-20220504125533846.htm