Giá rẻ hấp dẫn, Nga ưu ái xuất sang Việt Nam một nguyên liệu cực quan trọng: nhập khẩu tăng hơn 140%, 'vàng đen' Nga đủ dùng tận 300 năm
18/04/2024 | Tác giả: Khánh Vy Lượt xem: 225
Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2024 để tăng cường sản xuất điện.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, Việt Nam nhập khẩu than các loại hơn 5,4 triệu tấn, tương đương 670,9 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung 3 tháng đầu năm, nhập khẩu than các loại đạt hơn 14,6 triệu tấn, trị giá 1,95 tỷ USD, tăng mạnh 76% về lượng, tăng 35,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân 2 tháng đạt 123,5 USD/tấn, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á đã bùng nổ trong năm 2023, sau khi châu Âu dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Giá than giảm sâu cùng nhu cầu nhiệt điện tăng cao, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường.
Trong quý 1/2024, Việt Nam nhập khẩu than nhiều nhất từ Indonesia, đạt 5,37 triệu tấn, tương đương 504,3 triệu USD. Đứng sau lần lượt là Australia và Nga. Trong đó, nhập khẩu từ Nga chứng kiến mức tăng 3 chữ số.
Cụ thể, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt 509.166 tấn với kim ngạch hơn 97,7 triệu USD, tăng 124,3% về lượng và tăng 65,4% về kim ngạch so với tháng 2/2023. Toàn bộ quý I/2024, nhập khẩu mặt hàng này từ xứ sở bạch dương đạt hơn 1,4 triệu tấn với kim ngạch hơn 285,8 triệu USD, tăng mạnh 146,6% về lượng và tăng 87% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 201 USD/tấn, giảm mạnh 24,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về sản lượng than đá của Nga, số liệu từ Statista cho biết sản lượng than các loại của Nga đạt 443,6 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2021, giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ 3 trên thế giới. Mức sản lượng này gấp gần 15 lần so với sản lượng than tự sản xuất của Việt Nam trong năm 2022 với hơn 30 tấn.
Thậm chí, Nga có đủ trữ lượng than để sử dụng trong nhiều thế kỷ - RT dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Sergey Mochalnikov cho biết trong cuộc họp của Cơ quan Quản lý Tài nguyên dưới lòng đất Liên bang Nga.
Ông Mochalnikov nói, khi tính đến cả nguồn than trong lòng đất đã khai thác và chưa khai thác, Nga có đủ than để dùng trong vòng 300 năm.
“Về than đá, chúng tôi có trữ lượng đã được thăm dò đủ dùng hơn 100 năm, và nếu sử dụng hết số này, chúng tôi vẫn còn trữ lượng chưa khai thác đủ dùng trong 200 năm nữa hoặc hơn".
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn cung than nhập khẩu, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, phân bón. Vì vậy, Việt Nam đang lên kế hoạch nhập khẩu lượng lớn than từ Lào.
Trong lĩnh vực điện, Việt Nam đang rất cần phát triển về nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/gia-re-hap-dan-nga-uu-ai-xuat-sang-viet-nam-mot-nguyen-lieu-cuc-quan-trong-nhap-khau-tang-hon-140-vang-den-nga-du-dung-tan-300-nam-55049.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn