Giải đáp những câu hỏi then chốt về chuyển đổi số ở Cà Mau
17/09/2022 | Tác giả: Hoài Thanh Lượt xem: 314
Chiều 14/9, tại Cà Mau, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã tham dự hội nghị “Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến 3 cấp, đồng thời kết nối với hệ thống trực tuyến của ngành giáo dục và y tế, với khoảng 3.400 người tham dự.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ thiết thực, giải đáp nhiều câu hỏi về chuyển đổi số mà các lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các sở, ngành, huyện đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội, là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Đồng thời, đặt ra nhiều thách thức. Cà Mau đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
"Chuyển đổi số không phải là cái gì quá ghê gớm"
Giải đáp băn khoăn của ông Lý Minh Vững - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Chuyển đổi số dựa trên nền tảng CNTT đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội thông dụng chứ không phải là cái gì quá ghê gớm. Khi có nền tảng rồi thì mở ra thao tác, tìm tòi vài phút là thực hiện được, cần chú ý nhất là quá trình bảo mật thông tin. Chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng nên đòi hỏi sự thay đổi, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu. Điều quan trọng nhất là Chủ tịch UBND phải biết huyện, xã cần gì và phải làm gì.
“Có rất nhiều khác biệt giữa CNTT và chuyển đổi số. CNTT cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền, còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng, là nhân viên trong tổ chức đó. Cho nên tư duy về chuyển đổi số thì phải tư duy theo hướng người dân được hưởng lợi gì, người nhân viên được lợi gì”, Bộ trưởng phân tích.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số thì con người giữ vai trò rất quan trọng. Bà đặt câu hỏi: “Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cần trang bị những kỹ năng nào và có cần thiết đào tạo kỹ năng số cho tất cả công chức, viên chức, người lao động không hay chỉ đào tạo cho những cán bộ chuyên trách CNTT?".
Trả lời câu hỏi trên, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, các nền tảng chuyển đổi số hiện nay cứ dùng là giỏi lên. Chuyển đổi số là khi chưa xuất hiện thì không cần làm gì, còn kỹ năng số là khi sử dụng mới biết được, cách đào tạo tốt nhất là dùng. Các sở ban, ngành, xã nếu không đề xuất “cần gì, muốn gì” thì lãnh đạo không bao giờ biết. Người đứng đầu không dám quyết định thay đổi thì sẽ không bao giờ có chuyển đổi số.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT cũng nêu khó khăn khi dùng phần mềm không có bản quyền nên việc sử dụng còn hạn chế, không tương thích với các phần mềm khác, chẳng hạn không chuyển thông tin của địa chính qua ngành thuế. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Tập đoàn VNPT từ nay đến ngày 10/10 phải chuyển dữ liệu từ phần mềm do Sở TN&MT tỉnh quản lý sang phần mềm mới do VNPT viết.
Chuyển đổi số phải hướng đến người dùng cuối
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tỉnh có những bài toán khác nhau và chuyển đối số thì phải tập trung vào những vấn đề đó. Phải tập trung vào giải quyết đến nơi đến chốn, sẽ vỡ ra nhiều việc khác, tạo niềm tin cho chuyển đổi số nói chung.
Bộ trưởng cho rằng, ứng dụng CNTT thì cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền nhằm đơn giản hóa công việc. Còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý đến người dùng cuối cùng - chính là nhân viên trong tổ chức hoặc người dân. Bởi vậy, khi tư duy về chuyển đổi số phải xác định xem nhân viên và người dân được hưởng lợi gì.
Có thời kỳ mỗi xã một phần mềm, một ứng dụng gây tốn kém; còn bây giờ phải làm gì để không dùng phần mềm riêng lẻ. Mình mua cho mình là riêng lẻ nhưng nó phải là nền tảng, vừa giảm chi phí vừa kết nối được dễ dàng. Cho nên, chuyển đổi từ dùng phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung là một trong những điều rất quan trọng.
Người sử dụng chính là người quyết định phần mềm có thông minh hay không, người sử dụng khó tính sẽ quyết định phần mềm có dễ sử dụng hay không. Đó là sự thay đổi lớn trong công nghệ số.
Chuyển đổi số còn giúp cho cán bộ, nhân viên làm tốt hơn công việc của mình, vì thế mà phục vụ người dân tốt hơn. Phần mềm phải kết nối với các ngành khác để giải được bài toán tổng thể. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã ý thức được chính quyền không phải nơi để kiếm tiền, chính quyền là nơi giúp cho đất nước phát triển, chính quyền phát triển thì doanh nghiệp sẽ lấy doanh thu từ sự tăng trưởng. Dữ liệu sinh ra giá trị, khai thác dữ liệu để tạo ra mấu chốt của nền kinh tế số, dữ liệu được sinh ra trong quá trình sử dụng.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá: “Việc tổ chức hội nghị bằng cách trao đổi, giải đáp, hướng dẫn; vừa trực tiếp vừa trực tuyến với 3.400 người tham gia, các cán bộ đã được lắng nghe và trao đổi rất nhiệt tình. Tôi tin chắc là lãnh đạo các ngành, cơ sở sẽ thu thập được nhiều vấn đề bổ ích để định hình sắp tới phải làm gì”.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng Nghị quyết số 05 về chuyển đổi số với những định hướng lớn. UBND tỉnh cũng có đề án phân công nhiệm vụ cụ thể, tinh thần là: "Chúng ta phải làm có tính hệ thống, chọn việc gì làm trước việc gì làm sau; phải chọn những việc có tính chất gỡ nút thắt để làm trước, tháo gỡ cho những vấn đề khác. Có như thế thì hiệu quả của công tác chuyển đổi số mới tốt và chúng ta mới có thể hỗ trợ, dẫn dắt được các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia”.
https://vietnamnet.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-ca-mau-giai-dap-nhung-cau-hoi-ve-chuyen-doi-so-2060198.html